MTTQ các cấp tỉnh Bình Phước phản biện xã hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững

(Mặt trận) -Phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQVN, đặc biệt trong bối cảnh đất nước không ngừng đổi mới và phát triển. Thời gian qua, MTTQVN các cấp tỉnh Bình Phước đã thực hiện hàng trăm cuộc phản biện xã hội, đóng góp hàng ngàn ý kiến vào nhiều chính sách quan trọng. Những đóng góp này không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống chính sách mà còn đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Thông tư 002/2025/TT-BNV: Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chế độ với cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong sắp xếp bộ máy

Đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã hiện hành cho đến khi hoàn thành rà soát, tinh giản

Khai thác quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô để phát triển hạ tầng giao thông

Trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức mới, công tác phản biện xã hội cần được tiếp tục đổi mới gắn với các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hơn nữa vai trò của MTTQVN trong tình hình mới.

Đóng góp quan trọng vào xây dựng chính sách

Từ năm 2020 đến nay, MTTQVN các cấp tỉnh Bình Phước đã phản biện 625 văn bản dự thảo, trong đó, cấp tỉnh phản biện 36 văn bản, cấp huyện 177 văn bản và cấp xã phản biện 412 văn bản. Các nội dung phản biện quan trọng phải kể đến như: Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; nghị quyết về vùng nuôi chim yến, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn... Nhờ những phản biện này, nhiều chính sách đã được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo lợi ích chung của nhân dân. Đơn cử như nghị quyết về vùng nuôi chim yến. Ban đầu, một số quy định chưa rõ ràng về khoảng cách giữa khu vực nuôi chim với khu dân cư, gây lo ngại về môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nhờ phản biện, chính sách đã được điều chỉnh theo hướng đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, một số chính sách hỗ trợ nông dân ban đầu còn thiếu tính thực tế, chưa giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Qua phản biện, các giải pháp liên kết chuỗi giá trị, nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất đã được bổ sung... Thực tiễn cũng cho thấy, phản biện xã hội không chỉ giúp điều chỉnh chính sách phù hợp mà còn góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, giúp người dân hiểu rõ và ủng hộ các chính sách của Nhà nước.

 Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy định của UBND tỉnh liên quan đến điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và hạn mức đất ở do Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Bình Phước tổ chức tháng 9-2024 - Ảnh tư liệu

MTTQ là nơi tập hợp, đoàn kết nhân dân, đồng thời đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thông qua phản biện xã hội. Trong 5 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Bình Phước đã tổ chức 152 hội nghị với 517 ý kiến góp ý. Đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tiếp thu, giải trình 485 ý kiến; 32 ý kiến còn lại đang tiếp tục được xem xét, xác minh theo quy định. Ngoài ra, có 572 ý kiến góp ý thường xuyên và đột xuất đã được tiếp thu, giải trình, trả lời kịp thời. Đây trở thành “kênh” để nhân dân thể hiện tiếng nói, nguyện vọng đa chiều kịp thời gửi đến các cấp ủy đảng, chính quyền.

Dấu ấn thể hiện vai trò của MTTQ các cấp còn ở việc tổ chức hội nghị gặp gỡ thường niên giữa thường trực cấp ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN với chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo; già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, các cấp chính quyền đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, giúp giải quyết kịp thời những vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Cùng với đó, phản biện xã hội còn tác động quan trọng vào việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong xây dựng và thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh. Từ phản biện xã hội, chính quyền đã thực hiện đầy đủ việc giải trình, tiếp thu ý kiến người dân trước khi ban hành chính sách, minh bạch hơn trong quy trình ra quyết định, tránh tình trạng chính sách soạn thảo chủ quan, thiếu cơ sở thực tiễn; ngăn chặn sớm các dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình hoạch định chính sách.

Có thể khẳng định, phản biện xã hội của MTTQ các cấp tại Bình Phước đã và đang đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Nhờ có phản biện xã hội, nhiều chính sách đã được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Nâng cao hiệu quả phản biện xã hội

Thực tế cũng phản ánh thách thức đặt ra với công tác giám sát xã hội hiện nay là đôi khi còn mang tính hình thức, chưa có chế tài xử lý vi phạm. Năng lực phản biện xã hội chưa đồng đều giữa các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tuyên truyền trên nền tảng số vẫn còn hạn chế, chưa tận dụng hết tiềm năng công nghệ. Việc tiếp thu ý kiến phản biện chưa thực sự triệt để ở một số nơi. Điều đó cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng để phản biện xã hội thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong xây dựng chính sách, UBMTTQVN tỉnh Bình Phước cần tiếp tục cải tiến và đổi mới công tác này.

Giải pháp trước hết là phải mở rộng phạm vi giám sát, tập trung vào các vấn đề nóng như: quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng. Cùng với đó, tăng cường chế tài xử lý sau giám sát để đảm bảo tính răn đe. Ứng dụng công nghệ số trong giám sát, xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến... Bên cạnh đó, củng cố chất lượng phản biện xã hội. Huy động đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện để nâng cao tính chuyên sâu. Đồng thời, tăng cường tập huấn, đào tạo kỹ năng phản biện cho cán bộ MTTQ các cấp, xây dựng cơ chế bắt buộc tiếp thu phản biện để đảm bảo tính hiệu quả, tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tuyến để lắng nghe phản hồi, tăng cường đối thoại, bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, xây dựng hệ thống truyền thông số, phát triển ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đưa nội dung tuyên truyền lồng trong hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống để nhân dân tiếp cận hiệu quả thì mở rộng phạm vi tiếp xúc cử tri, không giới hạn trong các cuộc họp chính thức mà còn qua mạng xã hội cũng phải được ưu tiên. Song song với phát huy vai trò của già làng, chức sắc tôn giáo thì tạo cơ chế phản ánh trực tuyến, giúp người dân dễ dàng góp ý về chính sách cũng cần được thực hiện ngay.

Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, phản biện hiệu quả, MTTQ các cấp mới thực sự trở thành cầu nối hiệu quả giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Từ đó hỗ trợ chính quyền đưa ra những chính sách hợp lòng dân; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố niềm tin, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của Bình Phước.

Trong giai đoạn phát triển và đổi mới mạnh mẽ hiện nay, để MTTQ các cấp tỉnh Bình Phước thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa nhân dân và Đảng, Nhà nước thì vai trò phản biện xã hội càng phải được đầu tư sâu sắc hơn, tuyên truyền sáng tạo hơn; cải cách mạnh mẽ cả về cơ chế pháp lý, nâng cao năng lực chuyên môn, ứng dụng công nghệ và mở rộng phạm vi phản biện.

Theo Báo Bình Phước