Khai thác quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô để phát triển hạ tầng giao thông

(Mặt trận) - Chiều 3-4, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Khẩn trương hoàn thiện các văn bản về tổ chức bộ máy sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5/5

Những chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và cải cách thủ tục hành chính

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Hiền Phương 

Quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có diện tích khoảng 18.450ha với 40 khu đất, trong đó diện tích có thể khai thác khoảng 8.725,5ha. Hình thức khai thác bao gồm: Đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; thực hiện hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đề xuất dự án đầu tư...

Trên cơ sở kết quả rà soát quỹ đất, dự kiến nguồn thu giai đoạn 2024-2030 khoảng 140.000 tỷ đồng (đã khấu trừ kinh phí giải phóng mặt bằng).

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận tuyến đường.

Đây còn là cơ sở để lập dự án thu hút đầu tư, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, đồng thời ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả tại các địa phương; tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, đề án có tiềm năng tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cần thực hiện minh bạch, công bằng và có sự giám sát chặt chẽ, thậm chí thành lập hội đồng giám sát độc lập để theo dõi quá trình triển khai đề án. Cùng với đó, ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt về tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cấu trúc của đề án cơ bản hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, song còn một số vấn đề cần quan tâm, như về tổ chức thực hiện cần tiếp cận đổi mới theo Kết luận 127-KL/TƯ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28-2-2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo đề án đã khái quát nhưng chưa tiếp cận các đột phá mới đang thực hiện, cần nghiên cứu để điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi khi đề án được ban hành…

Đánh giá cao các ý kiến phản biện thẳng thắn, trách nhiệm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cập nhật văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, thành phố, đảm bảo căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị của đề án.

Đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị, tên đề án cần gắn với mục tiêu; cần làm rõ hơn khái niệm vùng phụ cận, việc khảo sát phân loại, các hình thức khai thác quỹ đất vùng phụ cận. Đối với công tác tổ chức thực hiện, cần đặc biệt quan tâm an sinh xã hội, chủ động thông tin việc triển khai đề án, gắn với kiểm tra, giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch.