Góp ý dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi): Tăng cường năng lực thể chế cho chính quyền cấp xã

(Mặt trận) - Cấp xã là nền tảng của nền hành chính - nơi trực tiếp gắn bó với đời sống người dân. Trong bối cảnh đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đặt ra yêu cầu cấp thiết: nâng cao năng lực chuyên môn và hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND cấp xã. Đây là bước đi chiến lược, bảo đảm chính quyền cơ sở thực sự là thiết chế đại diện, đủ sức hoạch định và giám sát các vấn đề trọng yếu của địa phương.

Thông cáo báo chí số 08, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Nội dung chính của tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kỳ họp thứ 12, HĐND xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang. Ảnh: Mạnh Đạt 

Nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo đột phá thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV thảo luận, thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đây là một trong những nội dung được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), bổ sung lần này chủ yếu tập trung vào các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương từng cấp. Chủ trương của Đảng ta khẳng định cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp không chỉ đơn thuần để giảm biên chế, đầu mối mà còn hướng đến mục tiêu lớn có tính chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - làm cho đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, cuộc sống Nhân dân ngày càng hạnh phúc; nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của Nhân dân đối với nền hành chính.

Cụ thể hơn “Trường hợp cần thiết”

Để đạt mục tiêu chính trị đó, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm trước hết là về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”.

Khắc phục tối đa những khó khăn của nền hành chính khi không tổ chức cấp huyện trong điều kiện bộ máy chính quyền địa phương cấp xã mới được sắp xếp lại, chưa thể thích nghi một sớm một chiều, khoản 4, Điều 11 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định: "Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã".

Đây là quy định hợp lòng dân, nhưng một số ý kiến cho rằng, cụm từ “Trường hợp cần thiết” còn chung chung, dễ tùy nghi áp dụng, nảy sinh tình trạng dựa dẫm, ỉ lại, đẩy trách nhiệm lên trên. Mặt khác, độ trễ hoạt động công vụ khi xử lý “trường hợp cần thiết” có thể bị kéo dài, gây hệ lụy tiêu cực.

Theo thống kê của Chính phủ, sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, có 90/99 nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã, phường đảm nhiệm; 9 nhiệm vụ còn lại chuyển lên cấp tỉnh. Đây là vấn đề rất lớn phải được điều chỉnh, giải quyết bằng Luật, bằng cơ chế vận hành của cả bộ máy nhà nước.

Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn nội dung này khi chuyển tiếp thi hành Luật và trong giai đoạn sắp xếp bộ máy theo hướng: UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động lập kế hoạch theo dõi, giám sát, kiểm tra những vướng mắc của cấp xã để trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoặc ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã. Quy định này nhằm bảo đảm tính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính; bảo đảm công việc của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn không bị thiệt hại do sự chậm trễ khi cấp xã không đủ khả năng thực hiện, hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tăng cường đại biểu chuyên trách, công chức chuyên môn

Cử tri và Nhân dân dành sự quan tâm vấn đề bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã. Theo quy định từ Điều 21 đến Điều 27 dự thảo Luật, HĐND ở xã, phường, đặc khu có nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền cấp huyện trước đây; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được quyết định ban hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn và nhiều nội dung quản lý nhà nước khác.

Theo trình tự, thủ tục, tại kỳ họp HĐND sẽ xem xét quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền trên cơ sở dự thảo nghị quyết, đề án do UBND cùng cấp trình và báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND. Do đó, hiệu quả hoạt động của các Ban HĐND, của UBND là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã quy định trong dự thảo Luật chưa tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền. Theo Điều 29 dự thảo Luật, HĐND cấp xã có Chủ tịch HĐND cơ bản hoạt động không chuyên trách; có 1 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách. HĐND cấp xã thành lập Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, gồm Trưởng Ban hoạt động không chuyên trách và 1 Phó Trưởng Ban có thể hoạt động chuyên trách. Ủy viên của các Ban của HĐND cấp xã là đại biểu hoạt động không chuyên trách.

Với những quy định như trên, cử tri, Nhân dân lo ngại hiệu quả hoạt động, cũng như mức độ bảo đảm chất lượng các quyết định sát, trúng và đúng của HĐND đối với những vấn đề quan trọng của địa phương. Chưa kể chất lượng tham mưu của UBND cấp xã với cơ cấu tổ chức theo dự kiến chỉ gồm có 3 cơ quan chuyên môn giúp việc.

Từ thực tế trên, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và năng lực thể chế của HĐND, UBND cấp xã, cần tăng cường đại biểu chuyên trách, công chức chuyên môn trong cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã theo hướng mở: căn cứ phân loại đơn vị hành chính và tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số Phó Chủ tịch HĐND cấp xã hoạt động chuyên trách và không chuyên trách; quy định Trưởng ban HĐND cấp xã có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của Ban và của Thường trực HĐND. Khắc phục tình trạng lâu nay đa số Phó Trưởng Ban hoạt động chuyên trách nhưng không phải là thành viên của Thường trực HĐND nên khó phát huy hết năng lực, trách nhiệm.

Quy định trách nhiệm cụ thể trong thẩm tra

Cử tri và Nhân dân quan tâm quy định kiểm soát quyền lực nhà nước và trách nhiệm giải trình của HĐND và UBND. Để ngăn ngừa tha hóa quyền lực của người đứng đầu dưới “vỏ bọc tập thể hình thức” như nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý trong thời gian qua; cần nghiên cứu bổ sung quy định quyền của đại biểu, của cán bộ được bảo lưu ý kiến khác và không liên đới chịu trách nhiệm khi xảy ra hậu quả pháp lý tiêu cực đối với các vấn đề tập thể biểu quyết quyết định theo đa số.

Bổ sung quy định: các quyết định của Thường trực HĐND, Ban của HĐND phải được quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành; quy định trách nhiệm cụ thể của các Ban HĐND trong thẩm tra, xác định tính đúng đắn của các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình ra kỳ họp HĐND - nhất là trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật - đưa ra được các đề xuất, khuyến nghị rõ ràng để đại biểu HĐND thảo luận, quyết định; khắc phục tình trạng thẩm tra hình thức, nhất là ở cấp xã.