(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, sáng nay 21/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 |
Các đại biểu tham gia thảo luận ở Tổ 14, sáng 21/5 |
Nâng cao vai trò góp ý xây dựng Đảng của MTTQ Việt Nam
Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, Khánh Hòa), cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật này theo Tờ trình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc sửa đổi các Luật có liên quan cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Góp ý cụ thể, ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho biết, tại Điều 32 dự thảo Luật về tính chất, mục đích và nguyên tắc phản biện xã hội quy định: "Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc thống nhất với các tổ chức thành viên nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là văn bản) của cơ quan nhà nước”.
“Quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ”, đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu. Theo đó, hoạt động phản biện xã hội nhằm góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp thực tế đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thông qua hoạt động phản biện cũng nhằm phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Đại biểu đề nghị đối tượng phản biện không chỉ là các văn bản của cơ quan nhà nước mà cả "các văn bản của Đảng". Quy định như vậy cũng bảo đảm thực hiện việc nâng cao vai trò góp ý xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tại Quyết định 217-QĐ/TW quy định: đối tượng phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là các cơ quan, tổ chức, bao gồm cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta đã có cơ sở chính trị rõ.
Làm rõ khái niệm tổ chức chính trị - xã hội
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Điều 1 và Điều 5 dự thảo Luật hiện không thống nhất với nhau.
Điều 1 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trong khi đó, tại Điều 5 quy định: Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn bao gồm cả “các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ”. Song, không phải năm nào Đảng và Nhà nước cũng giao nhiệm vụ cho các hội quần chúng, có những nhiệm vụ chỉ giao ở từng thời điểm nhất định. “Vậy có mặc nhiên các tổ chức này cũng là tổ chức chính trị - xã hội không? Ban soạn thảo cần làm rõ”, đại biểu đề nghị.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng. Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 của Ban Tổ chức Trung ương có giao sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Như vậy, vẫn tách bạch ra 2 nhóm này. Quy định hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã cũng rất rạch ròi.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cần phải mạch lạc trong xác định khái niệm tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, trong dự thảo Luật cần ghi rõ: “các hội quần chúng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao nhiệm vụ”, không ghi tắt là “Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bổ sung, chúng ta không còn tổ chức cấp huyện. Trong khi đó, các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở cấp huyện được giao quản lý số tiền do Nhà nước cấp rất lớn để cho thành viên của mình vay (chủ yếu theo mô hình Trung ương giao cho tỉnh, tỉnh giao cho huyện).
“Vậy tới đây khi không còn tổ chức cấp huyện thì ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thu hồi cho vay số tiền này?”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề, đồng thời đề nghị cần làm rõ.
 |
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5 (Quảng Nam, Yên Bái, Bình Dương). Ảnh: Hồ Long |
Có nhiều điểm tiến bộ so với quy định hiện hành
Thảo luận tại Tổ 5 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương, các ĐBQH tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật). Đồng thời, tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan trực tiếp đến sắp xếp tổ chức bộ máy; vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc và tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tại 4 luật nêu trên.
 |
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long |
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá cao các điểm tiến bộ của dự thảo Luật khi đã sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quy định rõ hơn vị trí của MTTQ so với quy định hiện hành.
Theo đó, quy định tại dự thảo Luật đã nêu rõ MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước...
Đồng thời, nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng làm rõ hơn theo hướng “các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên”.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, mối quan hệ công tác giữa MTTQ và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương.
 |
ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long |
Theo ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương), việc điều hành, quản lý của MTTQ với các tổ chức trực thuộc phải được quy định rõ tại dự thảo Luật, tránh hành chính hóa công tác quản lý và ảnh hưởng đến việc tổ chức quần chúng thực hiện nguyên tắc tự nguyện thành lập của mình. “Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, hội chỉ về chung một mái nhà, việc quản lý chuyên môn phải được phân định rõ ràng và quy định cụ thể tại dự thảo Luật”, đại biểu đề nghị.
Dự thảo Luật bãi bỏ quy định về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở”, “liên đoàn lao động cấp huyện” và thẩm quyền tương ứng, đặc thù của tổ chức công đoàn (khoản 4 Điều 4, khoản 3 Điều 19); sửa đổi, bổ sung quy định các cấp công đoàn gồm: cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; công đoàn cấp trên cơ sở gồm liên đoàn lao động cấp tỉnh và công đoàn ngành trung ương, công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty, công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp với tổ chức công đoàn; công đoàn cấp cơ sở gồm công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở (khoản 1 Điều 8).
Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, quy định tại dự thảo Luật sẽ giúp tổ chức công đoàn thành lập và hoạt động không thuần túy theo cấp hành chính, không gắn với địa bàn dân cư, chủ yếu ở các doanh nghiệp, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, do đã chấm dứt hoạt động của Công đoàn cơ sở ở các cơ quan Nhà nước, đại biểu băn khoăn, khi ở các sửa đổi, bổ sung với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại dự thảo Luật chưa có quy định để giúp thực hiện cơ chế liên quan đến thực hiện hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Dẫn quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát để quy định bộ phận đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thay thế cho Công đoàn cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân thực hiện các hoạt động này.
 |
Đại biểu Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận) phát biểu thảo luận tại tổ, sáng 21/5. Ảnh: Trần Thu |
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận) tán thành sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.
Theo đại biểu, hiện, Công đoàn gồm 4 cấp: cấp Trung ương (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); cấp tỉnh, ngành trung ương (liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương); cấp trên trực tiếp cơ sở (liên đoàn lao động cấp huyện; công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp; công đoàn tổng công ty; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác) và cấp cơ sở.
Vì vậy, với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bắt buộc Công đoàn phải điều chỉnh hệ thống tổ chức. Theo dự thảo luật này, các cấp công đoàn được quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm các cấp sau đây:
a) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
b) Công đoàn cấp trên cơ sở gồm liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp với tổ chức công đoàn.
c) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở."
Tuy nhiên, trong quy định của dự thảo luật không bao gồm các công đoàn khác tại xã, phường. Đối với cấp xã, phường, đại biểu cho biết đang đề xuất với Bộ Chính trị: ở những cấp xã, phường có đông doanh nghiệp, có thể sẽ cử cán bộ công đoàn chuyên trách cấp tỉnh xuống để theo dõi, thực hiện nhiệm vụ công đoàn và sẽ không hình thành cấp công đoàn.
Hương Diệp (tổng hợp)