(Mặt trận) -Với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào, sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, đồng bào công giáo (ĐBCG) tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ phát động. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt đáng ghi nhận.
 |
Linh mục Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa (thứ 3 từ trái sang) trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ gia đình bà Trần Thị Tho, ở thôn 8, xã Tân Tiến. |
Theo chân Linh mục Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa, đến trao 87 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ gia đình ông Vũ Văn Dưng, giáo dân Giáo xứ Kẻ Rừa, phường Bỉm Sơn, điều mà chúng tôi cảm nhận được rõ nhất chính là sự ấm áp, gần gũi, sẻ chia giữa linh mục với bà con giáo dân. Rưng rưng xúc động, giáo dân Vũ Văn Dưng cho biết: “Tuổi cao, sức yếu, cuộc sống trước đây của vợ chồng tôi là chuỗi ngày lo âu, thấp thỏm trong căn nhà cũ nát bên bờ sông mỗi mùa mưa, lũ. Để có số tiền lớn xây nhà, cả đời này tôi không dám nghĩ đến. Khoản tiền quý báu này, cùng với sự chung tay của anh em, họ hàng, cha xứ và hội đồng giáo xứ trong việc thi công, đã biến ước mơ của tôi thành hiện thực. Sự hỗ trợ này là động lực để gia đình tôi ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.
Linh mục Nguyễn Văn Thường chia sẻ: "Ngoài việc giáo dục, răn dạy bà con giáo dân “Kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôi còn tích cực vận động các nhà hảo tâm, bà con giáo dân trong và ngoài nước đóng góp quỹ “Bác ái”. Từ nguồn quỹ này, từ năm 2021 đến nay, Caritas Thanh Hóa đã tổ chức hàng trăm chuyến đi thăm hỏi, tặng quà cho hàng nghìn bà con giáo dân, trị giá hơn 100,5 tỷ đồng. Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, trao tặng 46 máy lọc nước và hệ thống máy lọc nước sạch; trao học bổng cho gần 1.000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ hàng ngàn suất cơm từ thiện, hàng trăm chuyến xe “0 đồng” cho bệnh nhân nghèo; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho Nhân dân; hỗ trợ bà con giáo dân các địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà cho 182 hộ ĐBCG nghèo sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống; giúp đỡ nhiều gia đình nghèo có mái ấm kiên cố nhằm ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy... với tổng số tiền trên 30,8 tỷ đồng".
Một tấm gương sáng tiêu biểu trong ĐBCG khác là ông Trần Văn Tiêu, Chánh trương Giáo xứ Liên Nghĩa, xã Tân Tiến - điển hình trong vận động bà con giáo dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản ở khu dân cư (KDC), xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”. Nhờ các hoạt động tích cực trên, những năm qua, kinh tế Giáo xứ Liên Nghĩa có mức tăng trưởng cao, văn hóa - xã hội phát triển lành mạnh, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh bảo đảm, thu nhập bình quân đầu người (năm 2024) đạt 66,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,88%; trên 90% gia đình công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Kết quả đó đã thể hiện sự đóng góp, vai trò tích cực, quan trọng của Chánh trương Giáo xứ Liên Nghĩa Trần Văn Tiêu và ĐBCG trong phong trào xây dựng đô thị văn minh, xứ, họ đạo bình yên.
Chánh trương Giáo xứ Hữu Lễ, xã Lam Sơn Ngô Đức Hạnh là một nhân tố tích cực tạo thay đổi về nhận thức của bà con giáo dân trong công tác bảo vệ môi trường thông qua việc lồng ghép vào các buổi lễ tại nhà thờ, các cuộc họp tại các giáo xứ, giáo họ và các cuộc họp tại KDC. Anh còn tuyên truyền, vận động bà con giáo dân hiến hàng trăm m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng trăm công lao động mở rộng đường giao thông; xây dựng hệ thống xử lý rác thải; thành lập tổ tự quản môi trường... Từ những hoạt động thiết thực trên, KDC của Giáo xứ Hữu Lễ đã trở thành “KDC sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” với môi trường sống trong lành, bà con giáo dân coi việc giữ gìn vệ sinh môi trường là một phần trong đời sống hàng ngày, gắn bó mật thiết với đức tin và đạo đức. Trong hoạt động an sinh xã hội, chánh trương Ngô Đức Hạnh đã vận động các nguồn lực từ giáo dân, nhà hảo tâm và các tổ chức xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo, người cao tuổi; hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó; trao tặng giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo, giúp họ có phương tiện sản xuất để thoát nghèo bền vững... Riêng gia đình anh Hạnh đã tạo việc làm thời vụ cho 4 - 5 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Từ những hoạt động thiết thực trên, các hộ nghèo, hộ khó khăn trong giáo xứ đã từng bước cải thiện điều kiện sống, phong trào tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng giáo dân ngày càng lan tỏa mạnh mẽ...
Cùng với Linh mục Nguyễn Văn Thường, ông Tiêu, anh Hạnh còn rất nhiều những tấm gương ĐBCG tiêu biểu khác đang gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo” theo tinh thần “yêu thương” của người Kitô giáo. Những đóng góp, cống hiến thầm lặng của họ giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của ĐBCG, tăng cường tinh thần đoàn kết lương - giáo, chu toàn bổn phận “Kính Chúa, yêu người”, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phan Nga