Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận các cấp thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Mặt trận) - Những năm qua, cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã luôn quan tâm tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận và nguồn lực của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động.

Vĩnh Phúc: Gặp mặt đại biểu các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh gặp gỡ chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo

Huy động nguồn lực xóa nhà tạm ở Hàm Yên

Tổng Bí thư Tô Lâm thị sát tình hình xây dựng đê kè bảo vệ bờ biển tại bờ kè Đất Mũi, tỉnh Cà Mau _Ảnh: TTXVN

Kết quả bước đầu công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII

Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cực Nam của Tổ quốc, là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tập trung đông là đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm...  với dân số khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% số dân cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước(1)…

Với vị trí và tầm quan trọng chiến lược, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20-1-2003, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010”; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020”; Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10-1-2018, của Ban Bí thư khóa XII, “Về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới”; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng để quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong vùng.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, hệ thống chính trị các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của vùng; tư duy về phát triển vùng đã có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng và các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024, 2024 - 2029, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long phối hợp, lồng ghép trong công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhằm phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15-12-2016, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long tích cực tham mưu giúp các tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra.

Hệ thống Mặt trận các cấp trong vùng tăng cường phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cuộc vận động của các tổ chức chính trị - xã hội khác; tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc…  trên cơ sở hướng mạnh về cơ sở, về khu dân cư, phát huy tính tự nguyện, tự giác, tự quản, tự chủ về tài chính của cộng đồng. Hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhân dân các địa phương trong vùng tích cực đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng và bổ sung các quy định, quy ước về nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục, phát triển các quỹ khuyến học, khuyến tài; tích cực bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp.

Hưởng ứng, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhân dân trong vùng tích cực tham gia góp công, góp sức, tự nguyện hiến đất, ủng hộ ngày công lao động, xây dựng đường liên thôn, liên xã, xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình phúc lợi công cộng, tiêu biểu như: Mặt trận các cấp tỉnh Trà Vinh đã xây dựng mới và duy trì được 179 mô hình, như: Khu dân cư “3 không” (không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội); “Khu dân cư văn hóa an toàn giao thông”; “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư xây dựng nông thôn mới”... tại 648 khu dân cư. Mặt trận các cấp tỉnh Sóc Trăng đã duy trì tốt hoạt động của trên 17.011 tổ liên gia tự quản về an ninh, trật tự; 2.887 ban an ninh, trật tự ở cơ sở; 23 dòng họ tự quản về an ninh, trật tự; 51 cụm liên kết giữ gìn an ninh, trật tự vùng giáp ranh; xây dựng, củng cố 38.903 điểm phòng, chống tội phạm; mô hình tự quản. Mặt trận tỉnh Cà Mau đã duy trì 196 mô hình về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó phần lớn các mô hình được xây dựng trong vùng đồng bào Khmer. Mặt trận các tỉnh trong vùng đã tổ chức các hoạt động vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn; tặng quà, gạo cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo… đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội. Nhân dịp Tết Nguyên đán, Mặt trận các cấp trong vùng đã huy động nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó…,  tặng 10.344 suất quà cho phần lớn các gia đình Khmer. Bên cạnh đó, Mặt trận các tỉnh trong vùng còn vận động, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tại gây ra như hỏa hoạn, lốc xoáy, xâm nhập mặn tại địa phương và các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ bị thiệt hại do lụt bão gây ra(2)…

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ban chỉ đạo của các tỉnh được củng cố, kiện toàn và có bước phát triển mới gắn với thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước, phối hợp tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục được phối hợp thực hiện. Mặt trận các cấp tích cực tuyên truyền nhân dân trong cụm hưởng ứng thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp với ngành công thương triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng, phát huy lòng tự hào dân tộc, đề cao trách nhiệm công dân đối với sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước; tham mưu, phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động, đồng thời thực hiện tốt vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đối với việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bổ sung các chính sách kịp thời thúc đẩy cuộc vận động.

Thực hiện Kết luận số 01-KL/ĐCT, ngày 20-8-2015, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc” và Kết luận số 02-KL/ĐCT, ngày 29-12-2015, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo”, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong vùng quan tâm, chú trọng thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Hằng năm, Mặt trận các tỉnh, thành phố đều ban hành kế hoạch, chủ động phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho các chức sắc, người có uy tín tiêu biểu bằng nhiều phương thức phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, Mặt trận và các tổ chức thành viên chủ động tiếp xúc, gặp gỡ lực lượng người tiêu biểu để nắm diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng trong bà con các dân tộc để phản ánh cho cấp ủy, chính quyền… Mặt trận phối hợp với chính quyền các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ Hội đoàn kết sư sãi yêu nước củng cố tổ chức bộ máy hoạt động nhằm tập hợp đông đảo sư sãi tham gia. Các hoạt động tuyên truyền của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước đến với sư sãi và tín đồ đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò của các vị sư sãi, Acha, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tham gia vào công việc chung của địa phương. Mặt trận các cấp cùng các vị sư sãi tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, như: Trực tiếp xuống cơ sở, bám sát dân, sát địa bàn, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào Khmer… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, sư sãi, tín đồ Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nâng cao tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa các dân tộc Khmer, Kinh, Hoa, Chăm trên địa bàn. Qua đó, đã phát huy vai trò của các vị sư sãi, A cha, người có uy tín tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tham gia tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở và xử lý các tình huống mâu thuẫn trong nội bộ phum, sóc và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cung cấp những thông tin có giá trị cho chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội…

Ở vùng đồng bào Khmer sinh sống, Mặt trận Tổ quốc các cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long tích cực động viên sư sãi và đồng bào Khmer tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mặt trận đã phối hợp cùng chính quyền và các ngành chức năng, cùng sư sãi và tín đồ xây dựng chùa thành điểm văn hoá, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo như sửa chữa, xây dựng chùa. Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Dưới sự chỉ đạo của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị sư sãi đã triển khai thực hiện cuộc vận động phù hợp với đường hướng hành đạo và khả năng của mình. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, sư sãi và đồng bào Khmer các tỉnh Tây Nam Bộ đã nhất trí lấy đơn vị chùa làm điểm sinh hoạt văn hoá của phum, sóc; tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện những nội dung của cuộc vận động. Do vậy, mỗi ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi tu hành, thờ phụng, nơi hội tụ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là nơi duy trì các phong tục, tập quán văn hoá truyền thống; là trung tâm giáo dục của cư dân Khmer trong các phum, sóc, giáo dục rèn luyện thanh thiếu niên Khmer, dạy chữ, dạy nghệ thuật, dạy làm người. Từ hệ thống 452 chùa Phật giáo Khmer trong vùng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được sự giúp đỡ kinh phí của địa phương, sư sãi và tín đồ xây dựng ngôi chùa thành những điểm văn hoá, có trang bị trạm truyền thanh, ti vi, tủ sách báo, dàn ngũ âm, đội bóng chuyền... để nhà chùa đảm nhận tốt vai trò trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần mang tính cộng đồng của phum, sóc. Đội ngũ các vị sư sãi, Achar tích cực tự học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức để trở thành những tuyên truyền viên nòng cốt, tiên phong trong việc vận động đồng bào Khmer. Thực tế cho thấy, đối với vùng đồng bào Khmer, ở đâu được sự đồng tình hưởng ứng và tiên phong của sư sãi nhà chùa thì phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ.  

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hệ thống chính trị cơ sở một số địa phương trong vùng chưa thật sự vững mạnh; trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn lạc hậu so với mặt bằng chung, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, một số tỉnh vẫn phải nhận gạo cứu trợ của Nhà nước trong thời gian giáp hạt cho hàng chục ngàn hộ gia đình; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết. Lợi dụng những khó khăn đó, các thế lực thù địch, các hội nhóm, tổ chức phản động, nhất là tổ chức phản động lưu vong “Liên đoàn Khmer Krôm” (KKF) đã và đang tiến hành nhiều thủ đoạn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá, với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Chúng thành lập hàng chục trang web, báo, đài phản động; tài trợ lắp đặt trang thiết bị hiện đại cho một số chùa Khmer để nghe, xem các chương trình có nội dung phản động, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh, nhất là đối với vấn đề nguồn gốc lịch sử của người Khmer và vùng đất Nam Bộ. Chúng thành lập cái gọi là: “Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm” (KKNLF), “Hội những người Khmer”, “Hội Ái hữu”, “Hội bảo vệ nhân quyền”… để lôi kéo, tập hợp lực lượng. Đồng thời, hỗ trợ một số tổ chức phản động ở nước ngoài xuất bản các ấn phẩm để công bố những thông tin xuyên tạc, như: Tạp chí “Tiếng nói cộng đồng” ở Campuchia, “Tiếng nói Khmer Campuchia Krôm” ở Mỹ..., nhằm mục đích quốc tế hóa vấn đề người Khmer Nam Bộ, kích động ly khai, lôi kéo đồng bào Khmer tham gia thành lập cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm”, tạo ra những điểm nóng trên địa bàn các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. 

Nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới

Cùng với quyết tâm, khí thế của đất nước đang chuẩn bị bước sang kỷ nguyên phát triển mới, để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, hệ thống Mặt trận các cấp trong vùng cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, quán triệt đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Đảng có liên quan, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm triển khai thực hiện, góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vùng đối với công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng. Tích cực truyên truyền, vận động nhân dân triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở từng địa phương, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế to lớn vốn có của vùng đất trù phú bậc nhất ở nước ta và trên thế giới.

Hai là, thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trên cơ sở vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, trọng tâm là thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giải quyết khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và các chính sách đặc thù đối với nông hộ Khmer trong cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ con giống, chuồng trại, đầu tư xây dựng mô hình trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn...

Ba là, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác xây dựng thiết chế văn hóa tại chùa, hỗ trợ trùng tu, sửa chữa chùa di tích, nhất là di tích cấp quốc gia. Bảo tồn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa, làng nghề, nghề thủ công, lễ hội truyền thống… trong vùng đồng bào dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm có hiệu quả nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa dân tộc; đầu tư, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm văn hóa dân tộc truyền thống tiêu biểu để phục vụ nhu cầu thụ hưởng của đồng bào.  

Bốn là, Mặt trận các cấp tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không tin, không nghe kẻ xấu; chủ động đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá. Kịp thời phát hiện, làm thất bại mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động lôi kéo đồng bào, không để hình thành “điểm nóng” về chính trị, xã hội. Khi xuất hiện mâu thuẫn, vấn đề mới phát sinh trong nhân dân, cần bám sát, nắm chắc tình hình, tìm rõ nguyên nhân, tham mưu cho các cấp ủy, phối hợp với chính quyền có biện pháp giải quyết kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài, lan rộng, không tạo cớ để các thế lực thù địch lợi dụng, can thiệp; phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm minh theo pháp luật những đối tượng ngoan cố chống phá./.

--------------------

(1) Bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, ngày 22-4-2022, tại Hà Nội, về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
(2) Báo cáo chính trị Đại hội Mặt trận các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhiệm kỳ 2019 - 2024