(Mặt trận) - Đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị to lớn đối với công cuộc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để Việt Nam vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
 |
Tổng Bí thư Tô Lâm với các già làng, trưởng thôn, người lao động tiêu biểu ở tỉnh Gia Lai, ngày 6-1-2025 _Ảnh: TTXVN |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc
Đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc nên từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, là vũ khí để dân tộc Việt Nam vượt qua bao thăng trầm và ngày càng trở nên bền chắc. Truyền thống ấy sẽ mãi là sợi chỉ đỏ kết nối, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bài viết “Nên học sử ta” đăng trên báo Việt Nam độc lập số 117, ngày 1-2-1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(1). Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và thấu hiểu giá trị, sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn nêu cao nhận thức này, đưa đoàn kết trở thành một nội dung tư tưởng chính trị, thành một phương thức lãnh đạo đầy hiệu quả.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quần chúng nhân dân là chủ thể lịch sử, lực lượng làm nên mọi thắng lợi cách mạng. Đứng trên nền tảng truyền thống quý báu của dân tộc, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp đặc điểm của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết nối truyền thống và hiện đại, kết hợp giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây, thúc đẩy nguyên tắc độc lập, bình đẳng trong mối quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.
Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu các giá trị phổ quát về quyền dân tộc và quyền con người của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(2).
Trong quan hệ quốc tế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc là quyền và nhu cầu tất yếu; các dân tộc dù nhỏ yếu cũng mong mỏi và luôn phải nỗ lực đấu tranh để đạt được bình đẳng. Do đó, trong bối cảnh bị thực dân Pháp xâm lược, Người xác định mục tiêu tối thượng của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, để giành quyền độc lập và quyền bình đẳng với các dân tộc khác trên thế giới. Tức là, dân tộc Việt Nam phải được độc lập, tự do. Đối với các dân tộc khác nhau trên phạm vi thế giới, thì bình đẳng thể hiện ở vị thế độc lập dân tộc.
Bình đẳng dân tộc trên phạm vi thế giới có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với độc lập dân tộc; trong đó, độc lập dân tộc là điều kiện “gốc” của bình đẳng dân tộc. Dân tộc Việt Nam muốn có bình đẳng với các dân tộc trên thế giới, trước hết dân tộc phải được độc lập và nền độc lập đó phải là nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn. Cho nên, để thực hiện bình đẳng dân tộc trên phạm vi thế giới, đồng bào các dân tộc Việt Nam phải nỗ lực giữ vững nền tự do, độc lập.
Để giành được độc lập, tiến tới bình đẳng dân tộc trên phạm vi thế giới, tất yếu phải đoàn kết các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc”(3).
Từ xa xưa, Việt Nam đã hình thành nhiều tộc người/dân tộc. Quá trình cộng cư đã dẫn tới sự gắn bó với nhau, gắn kết, cùng nhau dựng nước và giữ nước. Khi chưa giành được độc lập thì liên kết cùng nhau chống giặc ngoại xâm; khi đã giành được độc lập thì gắn bó cộng cư với nhau. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, diễn ra tại Pleiku vào ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta... Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”(4).
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết giữa các dân tộc không phải là thủ đoạn chính trị, mà là đoàn kết thật thà, chân thành, chặt chẽ; đoàn kết không phải là áp đặt, bắt buộc, mà phải có dân chủ thật sự; đoàn kết không phải là sách lược, mà là chiến lược, đoàn kết lâu dài.
Trong Bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II vào ngày 25-4-1961, Người một lần nữa nhắc lại khẩu hiệu nổi tiếng:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công”(5).
Với khẩu hiệu này, Người đã nhấn mạnh quan hệ có tính nhân quả: có đoàn kết, đại đoàn kết, tất yếu sẽ có thành công, đại thành công. Cách mạng Việt Nam sẽ thành công là nhờ đại đoàn kết.
Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội bản Hiến pháp; trong đó, Điều thứ 1 nhấn mạnh, tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Điều thứ 8 khẳng định, ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung.
Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”(6).
Đoàn kết dân tộc không phải là sự tập hợp cơ học của các khối quần chúng, các thành phần dân tộc, mà đoàn kết trên cơ sở bình đẳng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết dân tộc là nguyên tắc, là điểm xuất phát và là mục tiêu cần đạt; bình đẳng dân tộc là nguyên tắc và là cơ sở để đạt được đoàn kết lâu dài, bền vững. Theo Người, giữa bình đẳng và đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của các dân tộc có mối quan hệ thống nhất hữu cơ không thể tách rời. Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là cơ sở của sự đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời, muốn đạt được sự bình đẳng thật sự giữa các dân tộc thì không có con đường nào khác là các dân tộc phải đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Một khi đã có sự đoàn kết, bình đẳng thì việc giúp nhau cùng phát triển, tiến bộ, đặc biệt là trong khó khăn, hoạn nạn là việc càng cần làm. Người cũng khẳng định, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau chính là con đường để thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc. Trong Thư gửi các học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp Trường khai giảng, Người căn dặn: “Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hóa của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà”(7).
Khi thăm và làm việc với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng ngày 21-2-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bào tất cả các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no”(8).
Có thể khẳng định, trong nhiều bài nói, bài viết đề cập vấn đề liên quan đến dân tộc, công tác dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều quan tâm tới việc nêu cao tinh thần đoàn kết, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Trong đó, đoàn kết là gốc, đoàn kết được xây dựng trên quan hệ bình đẳng, và đoàn kết, bình đẳng phải giúp nhau cùng phát triển tiến bộ. Đó mới là đoàn kết, bình đẳng thực sự.
Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay
Nước ta là một quốc gia đa dân tộc; những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được, nhất là qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới là nhờ thành quả chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tiếp tục định hướng cho việc xây dựng chính sách dân tộc của Đảng ta và dẫn dắt hoạt động thực tiễn liên quan đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc để đạt được mục tiêu chung cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bảo đảm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa và tiếp nối giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn định hướng sát sao; chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc.
Tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986) - Đại hội mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta khẳng định: “Trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở những nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, cần thể hiện đầy đủ chính sách dân tộc, phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau, cùng làm chủ tập thể”(9).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã phác thảo về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, trong đó chỉ rõ: các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về công tác dân tộc”. Theo tinh thần của Nghị quyết, một số quan điểm cơ bản về công tác dân tộc đối với toàn bộ hệ thống chính trị là: 1- Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản và lâu dài; đồng thời, cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam; 2- Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; 3- Phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 4- Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội, trong đó, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(10). Bên cạnh đó, Đảng một lần nữa nhấn mạnh giá trị, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới là: “Phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(11).
Hiện nay, việc thực hiện chủ trương đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc còn gặp một số khó khăn, hạn chế, cụ thể là:
Một là, bối cảnh quốc tế diễn ra nhiều biến động; quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc vừa hợp tác, vừa đấu tranh; các dân tộc đều theo đuổi lợi ích của dân tộc mình. Bên cạnh mặt tích cực, tính phức tạp cũng gia tăng khi chủ nghĩa dân tộc xuyên quốc gia can hệ tác động tới nhiều nước, không loại trừ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Trong đó, nước nhỏ dễ bị áp đặt, chi phối bởi nước lớn.
Thực tế hiện nay, các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề dân tộc - tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, thù hận dân tộc hòng gây chia rẽ nội bộ đất nước, tạo cớ để thực hiện bạo loạn, lật đổ hòng xóa bỏ chế độ chính trị của Việt Nam; gây chia rẽ, làm mất ổn định ở một số vùng, miền có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tình hình đó đòi hỏi chính sách dân tộc của nước ta vừa đoàn kết được các dân tộc trong mái nhà chung, giữ được sự ổn định phát triển chung, vừa tạo khung khổ rộng, thậm chí “đặc thù” cho các dân tộc được cơ hội tiếp cận, thụ hưởng thành quả chung của sự phát triển.
Hai là, trên thực tế, cần nhiều thời gian và chính sách hiệu quả để thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước. Hiện nay, một số vấn đề cần được quan tâm để bảo đảm điều kiện sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng cư dân còn gặp khó khăn, như nâng cao năng lực ứng phó rủi ro, nâng cấp hạ tầng...
Ba là, cần khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vẫn còn hiện diện ở một số nơi, một bộ phận đồng bào. Việc giúp nhau giữa các dân tộc được thực hiện chủ yếu qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Khắc phục sự hạn chế, hoặc cục bộ địa phương, Đảng và Nhà nước đã luân chuyển cán bộ có trình độ, kinh nghiệm tới công tác ở nơi còn hạn chế, cử chuyên gia tới các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để hỗ trợ. Song, điều quan trọng để phát triển bền vững chính là sự nỗ lực của mỗi cá nhân, cộng đồng nhằm phát huy sức mạnh nội sinh để xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của chính mình.
Bốn là, quá trình triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nảy sinh một số bất cập, chưa đạt hiệu quả tối ưu. Việc lãnh đạo, quản lý công tác dân tộc của hệ thống chính trị, bên cạnh thành tựu là cơ bản, vẫn còn một số thiếu sót. Đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi công tác dân tộc còn ít, chưa ổn định và còn thiếu kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số nhiều nơi còn yếu, chất lượng cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ(12).
Để phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về truyền thống đoàn kết, tinh thần bình đẳng và giúp nhau cùng phát triển tiến bộ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp; nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ của các dân tộc.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chính sách phát triển, trong chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết tốt vấn đề còn bất cập, hạn chế... trong mối quan hệ giữa các dân tộc với nhau.
Thứ ba, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở. Tăng cường cán bộ dân tộc thiểu số trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm an ninh, ổn định chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, an ninh quốc gia nói chung.
Thứ tư, văn hóa là một “kênh” gắn kết dân tộc hữu hiệu, giúp các cộng đồng chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau. Do vậy, cần có chính sách tôn trọng sự đa dạng văn hóa, bằng việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc; tăng cường kết nối, giao lưu văn hóa bằng việc phát triển mô hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; qua thực hành và trình diễn văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thứ năm, ngoài các chính sách kinh tế - xã hội, cần thường xuyên làm tốt hoạt động hỗ trợ đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là trong điều kiện tác động bất thường của thiên tai, dịch bệnh. Trách nhiệm to lớn này thuộc về cả hệ thống chính trị; trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng, là đầu mối tập hợp lực lượng, quy tụ sức mạnh của tổ chức và cá nhân hướng về chia sẻ với khó khăn của đồng bào các dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có chương trình thường xuyên, hành động kịp thời để giúp đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với rủi ro, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sinh kế./.
GS, TS TRẦN TRUNG
Giám đốc Học viện Dân tộc
---------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 256
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 1, 18
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 249 - 250
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 119
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 372
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 375
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 44 - 45
(9) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, p. I, tr. 95
(10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 50, 14
(12) Theo Báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” (2019 - 2023) của Ủy ban Dân tộc, năm 2024.
Theo Tạp chí Cộng sản