Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý

(Mặt trận) - Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm tầng nấc trung gian và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, góp phần tạo ra một hệ thống quản trị linh hoạt, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận của toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chính quyền cấp xã bắt đầu vận hành từ ngày 01/7 và chính quyền cấp tỉnh vận hành sau ngày 30/8

Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5000 đơn vị hành chính cấp xã

Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước

 Phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (23/1/2025). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý đất nước. Một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng không chỉ làm tăng gánh nặng ngân sách, mà còn làm trì trệ quá trình ra quyết định, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, một tổ chức bộ máy cồng kềnh, thiếu linh hoạt sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển. Tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay và là xu hướng được nhiều quốc gia thực hiện, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Anh, Xin-ga-po… Việc giảm tầng nấc trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính và trao quyền nhiều hơn cho địa phương sẽ giúp hệ thống quản lý vận hành linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao năng lực điều hành của chính quyền cấp cơ sở. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Nhận thức rõ vấn đề, Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đang tập trung cao lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Một bộ máy tinh gọn, vận hành linh hoạt không chỉ giúp phát triển bền vững, mà còn tăng khả năng thích ứng với biến động toàn cầu. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ điểm nghẽn trong hệ thống quản lý tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại, mà còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tinh gọn tổ chức bộ máy - một đòi hỏi tất yếu của thực tiễn

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước, nhưng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, như tổ chức cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng chồng chéo và cơ chế phối hợp vướng mắc. Thực trạng này dẫn đến hiệu suất làm việc thấp, thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ quan liêu, trì trệ trong giải quyết công việc.

Nhiều bộ, ngành có nhiệm vụ tương đồng dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, khó xác định trách nhiệm. Việc phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều vướng mắc, làm giảm hiệu quả thực thi chính sách. Tinh giản biên chế ở một số nơi vẫn mang tính cào bằng, chưa tính đến đặc thù từng đơn vị, làm giảm chất lượng hoạt động của bộ máy. Dù đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp để cải cách hành chính, nhưng nhiều thủ tục vẫn làm mất thời gian và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc phải qua nhiều cấp trung gian khiến tiến trình xử lý kéo dài, làm giảm hiệu quả phục vụ của bộ máy nhà nước.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cải cách bộ máy hành chính để nâng cao hiệu quả quản trị. Tại Xin-ga-po, chính phủ thực hiện chính sách “chính phủ thông minh”, giảm số lượng cơ quan và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong điều hành. Cơ quan công quyền của Xin-ga-po cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Với đội ngũ công chức tinh gọn, dù chỉ có 16 bộ, nhưng Xin-ga-po vẫn phát huy được hiệu quả quản trị. Tại Anh, từ những năm 80 của thế kỷ XX, chính phủ đã thực hiện cải cách theo mô hình “quản lý công mới”, chuyển nhiều dịch vụ công sang khu vực tư nhân, đồng thời tinh gọn bộ máy hành chính. Nhờ đó, số lượng nhân viên khu vực công giảm, nhưng hiệu suất làm việc lại tăng đáng kể...

Cách tiếp cận của nhiều nước trên thế giới cho thấy, để quản trị hiệu quả, không chỉ giảm bớt đầu mối tổ chức, mà còn phải thay đổi cách thức quản trị, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và cung cấp dịch vụ công. Một bộ máy tinh gọn, hiệu quả không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách, mà còn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả”(1). Như vậy, tinh gọn bộ máy cần tổ chức một cách khoa học, hợp lý, giúp hệ thống vận hành hiệu quả, linh hoạt hơn. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ giảm đầu mối, mà điều quan trọng là hướng đến việc vận hành hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực.

Thực tế, nhiều đơn vị có chức năng tương đồng đã được sáp nhập, giúp giảm sự chồng chéo về đầu mối và nâng cao hiệu quả quản lý. Trong quản lý nhà nước về xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng và Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải đã được thống nhất về một đầu mối là Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, bởi ba đơn vị này có nhiều chức năng, nhiệm vụ cơ bản tương đồng. Việc thống nhất các đơn vị trên về một đầu mối giúp tạo sự thống nhất về quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả giám sát và điều hành trong lĩnh vực hạ tầng. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, một số cơ sở giáo dục - đào tạo có nhiệm vụ tương đồng đã được sáp nhập, như Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được sáp nhập vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường được sáp nhập vào Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, giúp tập trung nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo.

Không chỉ triển khai ở cấp trung ương, việc tinh gọn tổ chức bộ máy được triển khai đồng bộ ở cấp địa phương nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Các địa phương đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giảm cấp hành chính trung gian phù hợp với thực tiễn, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng quy mô quản lý, bảo đảm phục vụ nhân dân tốt hơn. Quá trình thực hiện đã bám sát yêu cầu của Trung ương, theo đó xác định rõ mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo...; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã. Một số đề xuất cũng đang được triển khai, như sáp nhập các tỉnh, thành phố để mở rộng địa giới hành chính gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, không tổ chức cấp huyện nhằm giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm chi phí hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý.

Việc triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã giúp tinh gọn đáng kể số đầu mối trong bộ máy nhà nước. Bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã giảm từ 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ. Việc sáp nhập các sở, ngành có chức năng tương đồng, như sở giao thông vận tải và sở xây dựng, sở kế hoạch và đầu tư với sở tài chính, sở lao động - thương binh và xã hội và sở nội vụ, sở khoa học và công nghệ và sở thông tin truyền thông, báo và đài địa phương... ở các tỉnh, thành phố giúp tăng cường công tác phối hợp, hạn chế chồng chéo và nâng cao hiệu quả quản lý.

Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ giúp tăng cường hiệu quả vận hành, mà còn khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi một số đơn vị vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa trực tiếp triển khai hoạt động, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, phải thực hiện bảo đảm khoa học, bài bản, bảo đảm sự ổn định trong lãnh đạo, quản lý. Nếu triển khai hợp lý, khoa học thì đây sẽ là bước đi quan trọng giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, cải thiện chất lượng dịch vụ công và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực quốc gia.

Giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn quá trình ra quyết định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý

Một trong những bất cập hiện nay gắn với hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị là quá trình ra quyết định chưa linh hoạt, kéo dài, gây chậm trễ trong xử lý công việc. Cùng với đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, phải trải qua nhiều cấp xét duyệt, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm suy giảm hiệu quả quản lý, mà còn gia tăng chi phí tuân thủ, gây rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Trước khi tiến hành sắp xếp bộ máy bên trong các bộ, ngành, cả nước có 30 tổng cục và tương đương, thực tế, cấp tổng cục là một tầng trung gian giữa cấp bộ và cấp cục, làm tăng sự phức tạp trong quản lý hành chính. Tình trạng nhiều cấp trung gian không chỉ làm chậm tiến độ triển khai chính sách, mà còn khiến trách nhiệm bị phân tán, dẫn đến việc ra quyết định thiếu nhất quán và kém hiệu quả.

Bên cạnh vấn đề tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính phức tạp cũng là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp và người dân. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 15,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà, điều kiện kinh doanh phức tạp và quy trình đấu thầu thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp(2). Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2023 cũng chỉ ra rằng, 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp hoạt động lâu năm(3). Các con số này chỉ ra sự cần thiết của việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, giảm thủ tục hành chính, tăng tốc độ xử lý công việc, từ đó góp phần làm giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việc giảm tầng nấc trung gian và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được xác định là một nhiệm vụ chiến lược, mang tính đột phá. Việc tối ưu hóa cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc cắt giảm quy trình xét duyệt không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc, mà còn nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương (ngày 24-2-2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng chí Tổng Bí thư đặt ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, cần giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, bao gồm chi phí tuân thủ quy định và chi phí không chính thức, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết cũng là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm loại bỏ rào cản không đáng có, thúc đẩy môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn.

Sự hiện hữu của quá nhiều tầng nấc trung gian và sự rườm rà của thủ tục hành chính đã làm chậm trễ quá trình ra quyết định và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cấp trung gian và đơn giản hóa thủ tục hành chính không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng dịch vụ công và tăng cường niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào bộ máy chính quyền.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Việc phân quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp chính quyền phải đi đôi với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ”. Điều này không chỉ đòi hỏi giảm khâu trung gian không cần thiết, mà còn đòi hỏi đẩy mạnh phân cấp, trao quyền gắn với giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giúp tăng tính chủ động trong lãnh đạo, quản lý và thúc đẩy hiệu suất công việc. Trong mô hình quản lý mới, vai trò của cấp Trung ương sẽ tập trung vào hoạch định chính sách và định hướng chiến lược, trong khi địa phương được trao quyền nhiều hơn trong triển khai thực hiện. Điều này sẽ giúp rút ngắn quá trình ra quyết định, tăng tốc độ xử lý công việc, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý - Hướng tới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở việc tinh gọn tổ chức, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý, xây dựng một nền hành chính thực sự phục vụ nhân dân. Tinh gọn tổ chức bộ máy không đơn thuần là giảm số lượng cơ quan, mà còn phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, loại bỏ cán bộ yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ: “Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”(4). Tinh giản biên chế không thể thực hiện theo hướng cắt giảm cơ học, mà cần gắn liền với việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại nhân sự theo hướng chọn lọc. Mục tiêu là loại bỏ vị trí không cần thiết, tinh giản công việc kém hiệu quả, đồng thời tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực then chốt. Nếu không thực hiện triệt để, bộ máy hành chính vẫn sẽ cồng kềnh, lãng phí ngân sách và hoạt động kém hiệu quả. Do đó, việc loại bỏ cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm không chỉ là một phần của công cuộc tinh giản biên chế, mà còn là yêu cầu cấp bách để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Chính phủ đã ban hành chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển đổi công việc, giúp tinh giản biên chế theo hướng chọn lọc. Đề xuất bỏ “biên chế suốt đời” cũng được xem là một bước đột phá trong cải cách hành chính, nhằm khuyến khích cán bộ, công chức làm việc dựa trên năng lực thực tế, thay vì duy trì tâm lý ỷ lại vào hệ thống. Đây là bước đi quan trọng để tạo động lực làm việc hiệu quả hơn và loại bỏ cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thực tiễn cho thấy, các địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo hướng giữ lại người có năng lực đã cải thiện đáng kể hiệu suất làm việc và hiệu quả quản lý. Việc giảm bớt đơn vị, cấp hành chính không cần thiết giúp bộ máy vận hành nhanh hơn, linh hoạt hơn và giảm tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, chính sách tinh giản biên chế hợp lý, mà còn tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.

Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ nhằm cắt giảm nhân sự, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm sự vận hành hiệu quả của bộ máy, phục vụ tốt hơn cho nhân dân và doanh nghiệp.

Điều này có thể được thực hiện thông qua đào tạo chuyên sâu, cải cách chế độ tuyển dụng, đánh giá cán bộ dựa trên năng lực, thay vì chỉ dựa trên thâm niên. Thước đo của năng lực cán bộ là phải tạo ra sản phẩm cụ thể.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ số không chỉ giúp nâng cao năng suất làm việc của bộ máy nhà nước, mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường niềm tin của người dân vào nền hành chính công.

Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý không chỉ là yêu cầu nội tại, mà còn là điều kiện tất yếu để Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Một bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, số hóa và vận hành hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./…

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
--------------------

(1) Xem thêm: Tô Lâm: “Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 1051 (12-2024), tr. 7
(2) Định Trần: “Thủ tục hành chính vẫn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Nhà báo và Công luận, ngày 11-10-2024, https://www.congluan.vn/thu-tuc-hanh-chinh-van-dang-gay-kho-cho-doanh-nghiep-post316243.html
(3) “38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thủ tục hành chính”, Vietnamplus, ngày 6-3-2023 , https://www.vietnamplus.vn/38-doanh-nghiep-van-gap-kho-khan-khi-tim-hieu-thu-tuc-hanh-chinh-post849490.vnp
(4) Tô Lâm: “Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”, Tlđd, tr. 7