(Mặt trận) - Cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương sáng ngời về lòng tận tụy với cách mạng, với dân tộc và đặc biệt là sự gắn bó bền chặt với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khởi xướng. Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông đã có vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. “Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc”(1)
 |
Chân dung đồng chí Nguyễn Hữu Thọ |
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Bến Lức, tỉnh Tây Ninh), trong một gia đình công chức trung lưu. Thân phụ của đồng chí là cụ Nguyễn Hữu Tuấn (1890 - 1944), thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Phong (1891 - 1934).
Cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là tấm gương sáng ngời về lòng tận tụy với cách mạng, với dân tộc và đặc biệt là sự gắn bó bền chặt với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khởi xướng. Trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông đã có vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong công cuộc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. “Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc”(1).
1. Vai trò của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trong kháng chiến chống Mỹ và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Nhân dân miền Bắc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chống phá Hiệp nghị, chống tổ chức tổng tuyển cử, đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, thẳng tay tiến hành các chiến dịch đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, những người yêu nước và mọi lực lượng đối lập, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Trong thời gian đó, Đảng ta từng bước tìm tòi, hoạch định đường lối cách mạng miền Nam, trong đó có chủ trương xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm. Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III, ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam. Tại Đại hội lần thứ I, năm 1962, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Do điều kiện đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi miền Nam chưa có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vừa làm nhiệm vụ là một chính phủ, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam; vừa làm nhiệm vụ đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, đảng phái, tôn giáo, không phân biệt xu hướng chính trị; đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm, với mục tiêu: Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ. Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc[1].
Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từ khi thành lập[2] đến thắng lợi của cuộc kháng chiến mùa Xuân 1975. Trong thời gian này, ông đã đứng đầu một tổ chức đoàn kết rộng rãi, làm cầu nối giữa các lực lượng yêu nước tại miền Nam, góp phần quan trọng vào sự thống nhất và sức mạnh toàn dân chống lại ngoại xâm. Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập vào năm 1960, Nguyễn Hữu Thọ được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch, điều này khẳng định vai trò trung tâm của ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do ông lãnh đạo không chỉ là tổ chức chính trị mà còn là biểu tượng đoàn kết của nhiều tầng lớp nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt. Ông đã góp phần tạo nên một tổ chức rộng khắp với nhiều chi bộ, cơ sở cách mạng, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, trí thức và nhân dân các giới tham gia. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát triển thành lực lượng chính trị có ảnh hưởng sâu rộng, tập hợp và điều phối các hoạt động quân sự, chính trị, binh vận nhằm phá vỡ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đồng thời khẳng định rõ mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngoài vai trò lãnh đạo trong nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ còn giữ vai trò quan trọng trong công tác ngoại giao, đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tham gia các hoạt động đàm phán, thương lượng hòa bình với các bên liên quan, đặc biệt là trong các hội nghị quốc tế liên quan đến Việt Nam. Sự có mặt của ông tại các diễn đàn quốc tế góp phần nâng cao vị thế của phong trào giải phóng miền Nam trong con mắt bạn bè thế giới, đồng thời tạo áp lực chính trị lên đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải rút khỏi chiến trường Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn tích cực vận động sự ủng hộ của các phong trào hòa bình và các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Những đóng góp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ thể hiện ở vai trò lãnh đạo tổ chức, mà còn qua tinh thần kiên cường, bất khuất và sự tận tụy với sự nghiệp cách mạng. Ông luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nguyện vọng của quần chúng, từ đó xây dựng các chiến lược, chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Đặc biệt, ông có khả năng khơi dậy sức mạnh đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thử thách trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt và chia rẽ nội bộ. Nhờ vậy, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do ông dẫn dắt đã trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường, ý chí tự lực tự cường của nhân dân miền Nam. Với vai trò lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
 |
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cùng các đại biểu tham dự Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (15-20/8/1967) nhất trí thông qua cương lĩnh chính trị của Mặt trận. Nguồn TTXGP |
2. Nguyễn Hữu Thọ với công tác thống nhất các tổ chức Mặt trận sau ngày đất nước thống nhất (1976 - 1977)
Sau 1975, đất nước bước vào giai đoạn mới với nhiều thuận lợi và khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề đoàn kết các tổ chức Mặt trận trên cả nước. Miền Bắc mặc dù đã trải qua 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng với vai trò vừa là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho miền Nam, đồng thời vừa phải tổ chức chiến đấu đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nguồn lực đã cạn kiệt. Trong khi miền Nam vừa thoát khỏi sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới, ngổn ngang những vấn đề cần giải quyết. Nam - Bắc một nhà trong sự đa dạng về giai cấp, kinh tế, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng với những tâm lý, tình cảm khác nhau, không tránh khỏi còn có những thành kiến, mặc cảm nhất định.
Tình hình mới, nhiệm vụ mới đòi hỏi Trung ương Đảng phải kịp thời củng cố khối đại đoàn kết dân tộc nhằm tạo ra sức mạnh mới. Một nhiệm vụ cấp bách là phải sớm thống nhất các tổ chức Mặt trận trên cả hai miền Nam Bắc thành một Mặt trận dân tộc thống nhất của cả nước. Với cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ rất tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp vào việc thống nhất các tổ chức Mặt trận.
Trong những ngày từ 31/01 đến 4/02/1977, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của các tổ chức Mặt trận trên cả hai miền Nam Bắc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Phát biểu tại Đại hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nhắc lại những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sáng lập và tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Luật sư cũng khẳng định: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam Việt Nam, do Đảng ta và Bác Hồ kính yêu sáng lập. Trong lịch sử 17 năm tồn tại (1960 - 1977), Mặt trận đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, là ngọn cờ tập hợp các tổ chức, cá nhân yêu nước ở miền Nam Việt Nam tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôn vinh tinh thần đoàn kết, hy sinh, chiến đấu của khối đoàn kết toàn dân trong Mặt trận, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói: “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã trải qua 15 năm trong những điều kiện ác liệt chưa từng có. Khối đoàn kết dân tộc đã không phút nào lay chuyển dưới mưa bom, bão đạn, trước những cuộc hành quân càn quét vây bắt, giữa những cuộc khủng bố bắn giết, trong các nhà tù, tại trường bắn, trong mùi nồng nặc của chất độc hóa học cũng như vô số mưu ma chước quỷ, nào ru ngủ, nào ly gián, nào mua chuộc, nào dụ dỗ... khối đoàn kết dân tộc còn được thể hiện trước hết tại chiến trường, trong các trận chiến đấu liên tục, bằng các tấm gương xả thân mà lịch sử sẽ mãi mãi ghi công!”[3]. Luật sư khẳng định: “Đại thắng mùa Xuân 1975, biểu tượng rực rỡ nhất của đường lối sáng tạo và sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, của lòng trung dũng và khí phách anh hùng tuyệt vời của Quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng, của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm vô song của nhân dân cả nước ta cũng tức là sự hoàn thành trọn vẹn và triệt để cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”[4].
Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu phấn đấu của Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ lịch sử mới là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã xác định: “Mỗi giai đoạn lịch sử có một đòi hỏi tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc khác nhau, nay với hai tiền đề: một là nước nhà đã trở thành một cơ thể hoàn chỉnh, hai là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đã được xác định. Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc trước hết cần thật sự là Mặt trận của những người yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội”[5]. Với chính kiến ấy, Luật sư kêu gọi các giới trí thức, tôn giáo, đồng bào các dân tộc hãy tỏ rõ ý chí kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vững bước tiến vào tương lai. Lời hiệu triệu mà ông đưa ra là: “Trước Tổ quốc, trước Đảng, chúng ta hãy cùng nhau hứa: Đoàn kết, quyết thắng”[6]. Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, ngày 04/02/1977, Đại hội hiệp thương dân chủ của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã thành công tốt đẹp, các tổ chức Mặt trận toàn quốc được thống nhất thành một Mặt trận chung và lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có thể nói rằng, thành công của Đại hội có phần đóng góp công sức to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Theo sự phân công của Đảng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thôi không giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa I), để nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng Luật sư vẫn là thành viên trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận.
 |
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bên cạnh Chủ tịch danh dự Tôn Đức Thắng tại Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/1-4/2/1977, Đại hội hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN |
3. Tinh thần đoàn kết và cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trong giai đoạn đất nước bao cấp và tìm đường đổi mới (1977-1986)
Để góp phần tập trung trí tuệ xây dựng đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không chỉ làm việc với các tổ chức cách mạng mà còn duy trì quan hệ, tôn trọng các trí thức, quan chức từng làm việc trong chính quyền cũ, góp phần xóa bỏ mặc cảm, xây dựng niềm tin dân tộc. Ông đã mời gọi nhiều nhân sĩ, trí thức cùng tham gia vào Mặt trận, tạo nên sự đa dạng và sức mạnh tập thể. Ngay sau khi Đại hội hiệp thương dân chủ - thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành công, tháng 8/1977, Luật sư về tỉnh Cửu Long tham dự Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam tiến hành Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh. Cũng trong thời gian này, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm và tới thăm lại những người bạn trí thức cũ, do những lý do khác nhau không có điều kiện trực tiếp tham gia kháng chiến hay là quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền Sài Gòn. Họ ít nhiều có lòng yêu nước, cảm tình với những người cách mạng nên đã ở lại xây dựng đất nước, không di tản. Câu chuyện của Luật sư với họ, trước hết là câu chuyện tâm tình của những người bạn già, như với Luật sư Nguyễn Văn Huyền, nguyên Chủ tịch Thượng nghị viện, Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn luôn tỏ thái độ tôn trọng, bởi trước sau ông vẫn là người yêu nước[7]. Trước sự thể hiện tình cảm và trân trọng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Nguyễn Văn Huyền vô cùng cảm động. Đến khi chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã viết thư mời và giới thiệu Luật sư Nguyễn Văn Huyền tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước tình cảm và sự trân trọng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Nguyễn Văn Huyền rất cảm động nói: “Những người cách mạng chân chính luôn là những người bao dung - chung thủy”[8].
Hay trường hợp, bà Luật sư Nguyễn Phước Đại, Nguyên Chánh tòa thượng thẩm, Phó Chủ tịch Thượng nghị viện Sài Gòn, bà là người mà Tổng Giám đốc thông tin chính quyền Sài Gòn mời lên gợi ý, đi thuyết phục Nguyễn Hữu Thọ (khi Luật sư bị quản thúc tại Phú Yên) thôi không hoạt động chính trị nữa. Nhưng Nguyễn Hữu Thọ đã khước từ và có lời khuyên: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm điều gì phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc; ngược lại, phải biết tùy cơ ứng biến để giúp nước, giúp dân”[9]. Lời khuyên đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước của bà luật sư. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà đã thường xuyên giữ liên lạc với cách mạng. Là một viên chức cấp cao trong chính quyền Sài Gòn, nhưng gia đình bà đã nhiều lần là nơi che giấu cán bộ và đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của Quận 1. Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đến thăm và giải tỏa được đôi điều mà bà còn mặc cảm. Luật sư đã giới thiệu bà Nguyễn Phước Đại tham gia vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng ý với ý kiến giới thiệu của Luật sư, Đại hội hiệp thương dân chủ đã cử bà Nguyễn Phước Đại vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[10]. Nhiều trí thức chế độ cũ, qua tiếp xúc với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã giải tỏa được mặc cảm, khơi dậy được tinh thần dân tộc và lòng yêu nước; thấy rõ trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Những hoạt động này của Nguyễn Hữu Thọ đã có tác dụng rất lớn trong việc củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Trong giai đoạn quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội từ 1978 đến đầu những năm 1980, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, liên tiếp trong hai kế hoạch 5 năm (1978 - 1981 và 1981 - 1985), các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế và xây dựng đất nước do Đại hội lần thứ IV và lần thứ V của Đảng đề ra không đạt; nền kinh tế - xã hội đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân cả nước rất khó khăn, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, những biểu hiện tiêu cực, tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính trong bối cảnh đó, đòng chí Nguyễn Hữu Thọ cùng Mặt trận đã nỗ lực giữ vững khối đại đoàn kết, vận động nhân dân và nâng cao vai trò của Mặt trận trong đời sống xã hội. Ông lên tiếng thúc giục Mặt trận phải đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong thời kỳ mới.
Ngày 24/9/1988, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V được tiến hành và là một trong những địa phương được chọn tổ chức Đại hội thí điểm để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III. Với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II, là một thành viên Ban trù bị Đại hội khóa III, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tham dự Đại hội và phát biểu những ý kiến rất quan trọng về vấn đề dân chủ, về vai trò của Mặt trận. Luật sư nói: “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh”[11], phải đấu tranh với tệ quan liêu, bảo thủ và với những kẻ bảo thủ quan liêu, Luật sư nêu câu hỏi: “Vì sao, theo quy định, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức có quyền giới thiệu người ra ứng cử vào cơ quan nhà nước lại không đứng ra thật sự lựa chọn người có tài, đức để giới thiệu mà thường ngoan ngoãn làm theo danh sách được đưa xuống từ cấp trên?”[12]. “Vì sao Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là những tổ chức của nhân dân lại chỉ thụ động thi hành những gì đã được quyết định mà không chủ động nắm bắt, phản ánh, đấu tranh để những vấn đề bức xúc của quần chúng được giải quyết?”[13]. Điều làm Luật sư day dứt, băn khoăn là: “Tại sao cái đã làm nên sức mạnh của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc lại chậm được phát huy trong giai đoạn xây dựng đất nước”[14]. Tình hình thực tế này đặt ra một đòi hỏi cấp bách là phải đổi mới cả tổ chức, nội dung công tác của Mặt trận.
4. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước (1986-1996)
Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khai mạc và thành công tốt đẹp. Đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội đề ra đã bước đầu củng cố niềm tin và hy vọng cho cán bộ và nhân dân ta. Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam trước cơ hội mới, nhiệm vụ mới cũng phải tự đổi mới theo đường lối của Đảng. Bộ Chính trị quyết định cử Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra ứng cử chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có đơn xin nghỉ với lý do tuổi cao sức yếu. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Bí thư Đảng đoàn Lê Quang Đạo đã lần lượt gặp và thuyết phục, nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn xin nghỉ. Sau đó, Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Văn Kiết làm Tổng Thư ký.
Năm 1988, dù tuổi cao sức yếu, ông nhận lời làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa III, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Buổi chiều ngày 01/11/1988, trong cuộc họp phiên trù bị của Đại hội thảo luận về dự kiến nhân sự, các đoàn đại biểu miền Nam giới thiệu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Sau phiên họp, các đoàn đại biểu miền Nam đến nhà Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thuyết phục. Ngay tối hôm đó, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ viết đơn gửi Bộ Chính trị, trong đơn nêu rõ: “Đảng giao tôi có thể từ chối vì tuổi cao (78 tuổi), sức yếu, nhưng dân yêu cầu, tôi không thể từ chối. Tôi xin chấp nhận việc Đảng giao”[15].
Đầu tháng 11/1988, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với sự tham gia của đại biểu các tổ chức thành viên, đại biểu các cấp bộ Mặt trận trong nước, đại biểu của người Việt Nam sống ở nước ngoài cùng 14 đoàn đại biểu các mặt trận, các phong trào của các nước anh em. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là thành viên Đoàn Chủ tịch Đại hội. Quán triệt những quan điểm Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định, Mặt trận không chỉ đơn thuần là tổ chức quần chúng, mà là một thành viên quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam. Để phát huy vai trò của Mặt trận, ba phương hướng và chương trình hành động của Mặt trận đã được Đại hội xác định: “ - Tham gia xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; - Động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm nhằm thực hiện các chương trình kinh tế và kế hoạch nhà nước; - Vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách xã hội và văn hóa; - Vận động nhân dân tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hoạt động đối ngoại của Mặt trận. Đổi mới phương thức hoạt động, củng cố, tăng cường tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”[16].
Tại Đại hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được tín nhiệm cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa III)[17]. Trong Diễn văn bế mạc Đại hội, với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh: “Đại hội của chúng ta đã thành công tốt đẹp, nhưng cũng mới thành công trong hội trường. Nhân dân đòi hỏi chúng ta đồng tâm hiệp lực, thống nhất hành động để biến những thành công trong Đại hội thành hiện thực trong cuộc sống”[18]. Ngay sau Đại hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã cùng các đồng chí và các vị trong Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ chức việc quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội. Luật sư nói rõ với các cộng sự: “Đại hội ở hội trường đã thành công tốt đẹp, bây giờ đến Đại hội trong cuộc sống. Đó mới là điều quan trọng nhất”[19].
Yêu cầu mà Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nêu ra là, để làm tốt công tác của Mặt trận trước hết phải nhận thức đúng vai trò và vị trí của Mặt trận, đây là vấn đề cốt lõi nhất. Chủ tịch cho rằng: “Mặt trận không phải là thứ cây cảnh hoặc tổ chức người cao tuổi... Muốn cho mọi người hiểu đúng chức năng, tính chất và nhiệm vụ chính trị của Mặt trận, phải thông qua các hoạt động thực tiễn của Mặt trận trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nếu ta làm không đúng chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận thì người ta ắt hiểu sai về Mặt trận. Điều quan trọng là phải lấy việc làm là chính, nói ít làm nhiều, làm có hiệu quả”[20].
Nguyễn Hữu Thọ dành nhiều thời gian đi khảo sát, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số và kiều bào nước ngoài, thúc đẩy sự đoàn kết và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Với lòng mong muốn Mặt trận phải trở thành nơi tập trung trí tuệ, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân chia thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng; không phân biệt quá khứ; không phân biệt người sống ở trong nước hay đang sống ở nước ngoài. Cùng với các đồng chí và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với giới trí thức, tôn giáo, đi xuống nhiều địa phương đồng bằng, trung du, miền núi, thăm hỏi bà con các dân tộc thiểu số để khảo sát, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn để cùng nhau làm tốt công tác Mặt trận. Ngay cả những lúc ra nước ngoài công tác như sang Pháp và Canađa tham dự Hội nghị Cộng đồng Pháp ngữ, Luật sư Chủ tịch cũng dành thời gian để gặp gỡ bà con Việt kiều đang sinh sống ở đây, động viên, khuyến khích bà con hướng về Tổ quốc. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nói: “Đất nước đang cần những người có tâm huyết và có khả năng. Các anh, chị hãy về giúp dân, giúp nước”[21]. Với lòng nhân ái, bao dung, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã cảm hóa được không ít những người lầm lỗi trước đây hoặc có chính kiến khác đã tỉnh ngộ quay về với khối đại đoàn kết toàn dân vì chính nghĩa, vì lợi ích dân tộc.
Là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn quan tâm tới cơ quan ngôn luận của Mặt trận: Báo Đại đoàn kết. Chủ tịch yêu cầu báo Đại đoàn kết phải làm thế nào để ngang tầm với nhiệm vụ chính trị. Theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Mặt trận (do tòa soạn báo Đại đoàn kết đề nghị), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận đã đảm trách làm Chủ nhiệm tờ báo[22].
Tháng 8/1994, Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Tuy đã có nhiều đóng góp trong quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội, song do bị bệnh đột ngột, Luật sư đã không tham dự được. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã gửi thư tới Đại hội, nói rõ lý do của sự vắng mặt và cảm thấy chưa hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ công tác khóa III của Mặt trận do Luật sư làm Chủ tịch. Qua thư, Luật sư đã có một số ý kiến về công tác Mặt trận trong tình hình mới, góp phần vào thành công của Đại hội. Đại hội đã suy tôn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV. Cho đến những năm cuối đời, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự thành công của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bạn bè, đồng chí và nhân dân ta ví như bóng cả của đại đoàn kết dân tộc.
Nói về công lao, cống hiến của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đối với cách mạng Việt Nam và những đóng góp to lớn đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo đã khẳng định: “Tên tuổi của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc ta hơn năm thập kỷ nay, nhất là từ khi Luật sư làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bạn bè, đồng chí thường gọi Luật sư với cái tên trìu mến, thân thương anh Ba, anh Ba Nghĩa... Theo anh Ba, để làm tốt công tác Mặt trận trước hết phải có nhận thức về vai trò và vị trí của Mặt trận. Đó là vấn đề cốt lõi nhất. Mặt trận đâu có phải là cây kiểng hoặc tổ chức của người cao tuổi... Nếu ta làm không đúng chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận thì người ta ắt hiểu sai về Mặt trận. Điều quan trọng là phải lấy việc làm là chính. Nói ít, làm nhiều, làm có hiệu quả. Đó chính là sức thuyết phục tốt nhất với mọi người để có nhận thức mới về Mặt trận”[23].
*
* *
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Ông không chỉ là người lãnh đạo xuất sắc trong kháng chiến mà còn là nhân tố chủ chốt trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết sau ngày đất nước thống nhất. Với tinh thần kiên định, nhân ái và tầm nhìn sâu rộng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đánh giá về những đóng góp to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (ngày 17/11/1995), đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VII), đã khẳng định: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ... nhà trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, người chiến sĩ từng trải thử thách trên mặt trận đấu tranh chống xâm lược vì độc lập dân tộc, vì công lý và công bằng xã hội, đã có những đóng góp quý báu vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong mấy thập kỷ qua”[24].
[2] Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập, năm 1962, ông được bầu làm Chủ tịch.
[3] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.186.
[4] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.187.
[5] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.187.
[6] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.189.
[7] Ông từng là bào chữa và bảo lãnh cho Nguyễn Hữu Thọ tại phiên tòa của thực dân Pháp ngày 27/3/1950.
[8] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Cả nước tôn vinh Anh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1995, tr.317-318
[9] Trần Bạch Đằng (Chủ biên): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.152.
[10] Xem: Trần Bạch Đằng (Chủ biên): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Sđd, tr.152-153, 182.
[11] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Sđd, tr.286.
[12] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Sđd, tr. 284.
[13] Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Sđd, tr. 284.
[14] Trần Bạch Đằng (Chủ biên): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Sđd, tr.398.
[15] Theo Tài liệu số 3347/MTTW-BTT, ngày 03/4/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr.4.
[16] Theo Tài liệu số 3347/MTTW-BTT, ngày 03/4/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr.5.
[17] Tại Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Phan Anh được bầu làm Phó Chủ tịch thứ nhất; đồng chí Phạm Văn Kiết (tức Năm Vận) được bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký.
[18] Theo Tài liệu số 3347/MTTW-BTT, ngày 03/4/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr.5.
[19] Lê Quang Đạo: “Nhớ anh Ba Nghĩa”, Báo Nhân Dân, ngày 31/12/1996.
[20] Lê Quang Đạo: “Nhớ anh Ba Nghĩa”, Báo Nhân Dân, ngày 31/12/1996.
[21] Trần Bạch Đằng (Chủ biên): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Sđd, tr.148.
[22] Từ ngày 03/4/1989, báo Đại đoàn kết - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 14 có thêm dòng chữ Chủ nhiệm: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Trong số báo này, Luật sư đã có bài viết Tuần báo đại đoàn kết đứng trước trách nhiệm mới. Về nhiệm vụ của báo, Luật sư viết: “Báo Đại đoàn kết phải trở thành diễn đàn cho mọi người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước phát triển, trao đổi những nguyện vọng; ý kiến có thể khác nhau nhưng cùng chung một lòng mong muốn giành lại cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý niềm tự hào vẻ vang như đã từng có trong một thế giới đầy chuyển biến - một Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”
[23] Lê Quang Đạo: “Nhớ anh Ba Nghĩa”, Báo Nhân Dân, ngày 31/12/1996.
[24] Báo Nhân Dân, ngày 17/11/1995.
TS. Lê Mậu Nhiệm - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam