Có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường mới

(Mặt trận) - Sáng 28/4, tại buổi Họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức, cung cấp thông tin về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, tiến độ thực hiện các công việc để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động đang được các cơ quan tiến hành rất quyết liệt, khẩn trương. Đây là đề án rất lớn, có tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến địa phương từ trước đến nay.

Cảnh giác thủ đoạn mới nhằm tống tiền cán bộ công chức, doanh nhân

Công văn số 05/CV-BCĐ: Thời hạn hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính gửi về Bộ Nội vụ

Tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Nhân tố cốt lõi bảo đảm thành công trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

"Có thể nói sắp tới đây chúng ta hình thành một bộ bản đồ mới của cả nước và của từng địa phương; đồng thời, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta sẽ tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp", ông Tuấn nói.

Dự kiến sau sắp xếp còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã

Để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các cơ quan của Quốc hội đang khẩn trương sửa đổi các nội dung liên quan trong Hiến pháp, theo lộ trình, dự kiến sẽ thông qua trong tháng 6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/7 bằng một nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Đồng bộ với đó, Bộ Nội vụ cũng đang tham mưu trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 lần này, để đảm bảo từ 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.

Đến thời điểm này, cơ bản 52 địa phương cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành việc xây dựng đề án. Các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương cũng cơ bản hoàn thành. Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của các địa phương.

"Chúng tôi làm ngày, làm đêm, xuyên lễ, kể cả Bộ trưởng, các lãnh đạo Bộ cũng không có ngày nghỉ lễ, tập trung tối đa để đảm bảo tiến độ Bộ Nội vụ trình các đề án lên Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội", chia sẻ điều này, ông Tuấn nhấn mạnh, tiến độ rất gấp, Bộ Nội vụ phấn đấu trước ngày 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã trong cả nước. Dự kiến ngày 15/5, Chính phủ sẽ trình toàn bộ hồ sơ đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã cả nước để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm theo định hướng của Trung ương, ông Tuấn cho biết, mới nhận được 20 hồ sơ đề án của địa phương nên chưa có con số chính xác về số lượng xã, phường mới sau sắp xếp. Bước đầu tổng hợp, dự kiến sau khi sắp xếp giảm khoảng 67% số xã so với hiện nay, còn lại khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã. Con số cấp xã còn lại cuối cùng sẽ có khi Bộ Nội vụ thẩm định các đề án do địa phương gửi lên và trình Chính phủ, sau đó hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường mới

Về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ công chức cấp xã, theo ông Tuấn, hiện nay Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó đề xuất một hệ thống công cụ thống nhất trong hệ thống chính trị các cấp ở địa phương (cấp tỉnh và cấp xã). Sau này sẽ có một hệ tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức cấp xã. Sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một nghị định quy định cụ thể của cán bộ, công chức, trong đó có cấp xã.

Về phương án nhân sự, ông Phan Trung Tuấn cho biết, Đảng ủy Chính phủ khi xây dựng đề án đã trình Bộ Chính trị xem xét kỹ lưỡng 3 lần trước khi trình Trung ương. Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, trong đó có vấn đề nhân sự, biên chế, trước mắt cơ bản sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức cấp huyện chuyển về cấp xã sau sắp xếp.

Phương án nhân sự được nêu trong Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị, nhưng tinh thần đang thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" nên Trung ương chỉ định hướng nguyên tắc chủ trương, còn địa phương toàn quyền quyết định bố trí nhân sự của cấp xã.

"Có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường mới. Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí ủy viên Ban Thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương", ông Tuấn thông tin, đồng thời cho hay, bố trí nhân sự ai làm Bí thư, làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch… địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành. Trong thời hạn 5 năm Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây.

Liên quan đến ý kiến cho rằng nên giữ lại 87 thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương bằng cách xem các thành phố là một loại hình trong cấp chính quyền địa phương cơ sở, ông Phan Trung Tuấn cho hay, đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị hành chính cấp cơ sở.

"Theo đề xuất ban đầu của chúng tôi, khi đó sẽ không còn xã, phường ở dưới nữa, như vậy vẫn bảo đảm việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã", Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương nói.

Theo ông Phan Trung Tuấn, khi trình, cấp có thẩm quyền cân nhắc rất kỹ việc này. Bộ Chính trị 3 lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Lý do là bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương không tổ chức cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân. Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương không tổ chức cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện.

"Sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện", ông Tuấn cho hay.

Bộ Chính trị, Trung ương cũng thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân… Theo đó, giữ nguyên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), tới đây sẽ có khoảng 12 - 13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận giao dịch một cửa xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La). Ảnh minh họa: Hữu Quyết/TTXVN 

Chỉ 0,65% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn sơ cấp, chưa qua đào tạo

Bộ Nội vụ cho biết, tính đến hết năm 2024, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước là 206.707 người, trong đó cán bộ là 105.606 người (chiếm 51,09%), công chức là 101.101 người (chiếm 48,91%). Có 122.143 người dưới 45 tuổi, chiếm 59,09%; 63.203 người từ 45-55 tuổi, chiếm 30,58%; từ trên 55 tuổi là 21.361 người, chiếm 10,33%. 

Trong tổng số cán bộ, công chức nêu trên, số cán bộ, công chức phường là 38.279 người, chiếm 18,52% (gồm 17.623 cán bộ, chiếm 46,04%; 20.656 công chức, chiếm 53,96%). Số cán bộ, công chức xã là 154.766 người, chiếm 74,87% (cán bộ 80.971 người, chiếm 52,32%; công chức 73.795 người, chiếm 47,68%). Cán bộ, công chức thị trấn là 13.662 người, chiếm 6,61% (cán bộ 7.011 người, chiếm 51,32%; công chức 6.651 người, chiếm 48,68%).

Về chất lượng cán bộ, công chức cấp xã, Bộ Nội vụ cho biết, số có trình độ chuyên môn sơ cấp, chưa qua đào tạo là 1.335 người (chiếm 0,65%); trình độ trung cấp hoặc cao đẳng là 14.324 người (chiếm 6,93%) và trình độ đại học hoặc sau đại học là 191.048 người (chiếm 92,42%).

Về trình độ lý luận chính trị, người có trình độ sơ cấp, chưa qua đào tạo là 25.447 (chiếm 12,31%); trung cấp là 166.638 người (chiếm 80,62%) và cao cấp hoặc cử nhân là 14.622 người (chiếm 7,07%).

Về nguồn bầu, điều động, luân chuyển cán bộ, có 37.082 người đã từng là công chức (chiếm 17,94%), 76.358 công chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển (chiếm 36,94%), từ người hoạt động không chuyên trách cấp xã 48.478 người (chiếm 23,45%), từ nguồn khác đối với cán bộ, công chức 44.789 người (chiếm 21,67%).

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, do quy mô đơn vị hành chính cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay), Chính phủ dự kiến trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới (sau sắp xếp). Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.

Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/1 cấp xã). Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.