(Mặt trận) - Bộ Nội vụ đang tập trung hoàn thiện hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh, ngạch và chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức ở phường, xã, đặc khu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, thông tin trên được ông Đặng Đức Thuận, Phó Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho biết tại cuộc họp báo của bộ diễn ra ngày 28/4.
 |
Chuyên viên Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau hướng dẫn người dân cách thức giao dịch và kiểm tra ngay trên điện thoại di động. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN |
Liên quan đến việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Phó Cục trưởng Cục Tiền lương và bảo hiểm xã hội Trần Hải Nam cho biết, Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội đã thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, theo đó, đã điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện tăng lương hưu, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Cũng tại nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai thực hiện tại Kỳ họp thứ 9. Theo kế hoạch, trong năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục báo cáo Ban chỉ đạo và các cấp có thẩm quyền để thực hiện bước tiếp theo trong việc thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 27, như liên quan đến việc bãi bỏ mức lương cơ sở hay thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm.
Trong quý II/2025, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận 83 để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Về tiến độ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị sắp xếp, sáp nhập, ông Nam cho biết, sau khi Chính phủ ban hành chức năng nhiệm vụ tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan thì các bộ, ngành cũng ban hành các quyết định thành lập tổ chức bộ máy đơn vị trực thuộc. Khi triển khai nội dung này, các đơn vị phải kiện toàn các thủ tục như: đăng ký con dấu, mở tài khoản, liên quan đến bổ nhiệm kế toán trưởng… Tiến độ hoàn thiện bộ máy mỗi cơ quan đơn vị khác nhau, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi trả lương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, về cơ bản các cơ quan đã tiến hành trả lương và việc chậm trả lương sẽ sớm được khắc phục.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về số cán bộ, công chức, viên chức bị tác động do sắp xếp bộ máy, số người đã ra khỏi bộ máy nhà nước và tình hình giải quyết việc làm cho họ, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, trong đợt 1 tinh gọn bộ máy các bộ, ngành, địa phương, dự kiến có 100 nghìn cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Nhìn về mặt lực lượng lao động, đây là những người có kinh nghiệm, bổ sung lực lượng đáng kể cho thị trường lao động đang rất cần nhân lực có kinh nghiệm, có quản trị.
Cục Việc làm đã chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm và một số địa phương đã triển khai tổ chức giới thiệu việc làm, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp với đối tượng này. Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn.
Đối với việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, Cục Việc làm đang phối hợp các đơn vị trong Bộ nắm chắc dữ liệu. “Đến thời điểm hiện nay chúng tôi chưa có dữ liệu để đánh giá đúng tình hình. Một là bao nhiêu lao động rời khỏi khu vực công, trình độ chuyên môn như thế nào, ở trên địa bàn nào và trên cơ sở đó chúng ta phân nhóm, phân loại và kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động”, ông Bình nói.
Theo ông, trên cơ sở đánh giá được đối tượng mới có thể kết nối, hỗ trợ được. Cục Việc làm đang đánh giá, từ đó có những cơ chế, chính sách cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Thực tế, có nhiều nhóm lao động khác nhau, có nhóm lao động trẻ, có nhóm lao động trên 50 tuổi, phải có sự ứng xử khác nhau trong cơ chế chính sách.
Nước ta hiện có 54 triệu lao động, trong đó có gần 53 triệu lao động đang tham gia vào thị trường, vì thế, ông Bình cho rằng, với đợt sắp xếp đầu tiên là 100 nghìn người, nhìn dưới góc độ người lao động là rất quan trọng, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ, “nhưng nhìn dưới góc độ thị trường lao động, số lượng 100 nghìn người, nhiều ngành, nghề khác nhau, trải đều trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bổ sung vào thị trường lao động, thì có thể nói rằng không tạo ra biến động lớn của thị trường lao động”.
“Với đợt thứ 2, chúng tôi đánh giá xem là bao nhiêu, từ đó đánh giá xem ảnh hưởng lớn về số lượng hay không, có thể ảnh hưởng về cá nhân của công chức, viên chức rời khỏi khu vực công và ảnh hưởng về vấn đề cung cấp nhân lực chất lượng cao, nhưng ảnh hưởng chung về số lượng, biến động của thị trường, như với đợt đầu tiên là 100 nghìn thì không có ảnh hưởng gì”, theo lời ông Bình.
Theo TTXVN