(Mặt trận) -Kế thừa thành quả kinh tế của nhiệm kỳ trước, giai đoạn 2025 - 2030, xã Sơn Cẩm Hà (thành phố Đà Nẵng) tiếp tục xác định kinh tế vườn rừng, trang trại là thế mạnh của địa phương và có những chính sách, giải pháp phát triển hiệu quả.
 |
Cây chanh được trồng xen canh trong khu vườn nhiều loại cây trái đã mang về nguồn thu nhập khá cho ông Phạm Hồng Sơn. Ảnh: SONG LINH |
Kế thừa thành quả phát triển
Khu vườn rộng 2ha của ông Phạm Hồng Sơn (thôn Tiên Tráng) đang mùa thu hoạch chanh. Những cây chanh sai quả được trồng xen canh với mít, cau, chuối, măng cụt.
Ông Sơn nói rằng mùa chanh này ông thu hoạch được khoảng 5 tấn, giá bình quân 20 triệu đồng/tấn, thu về 100 triệu đồng từ việc bán chanh tươi. Cùng với đó là nguồn thu từ bán mít trái, chuối hàng ngày cũng đủ để ông đầu tư chăm sóc khu vườn.
Trước năm 2023, ông Sơn được hỗ trợ 139 triệu đồng từ Đề án 03 của huyện Tiên Phước (cũ) để đầu tư giếng khoan, hệ thống nước tưới tiết kiệm, rào chắn quanh vườn, cây giống để làm kinh tế vườn.
Ông Sơn nói: “Với người dân vùng quê thì vườn, rừng là nguồn thu nhập chính. Muốn làm được thì phải có suy nghĩ mới, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phải làm bằng quyết tâm mới thành công”.
Chính quyền xã Sơn Cẩm Hà cho hay, sản xuất nông lâm nghiệp sẽ được địa phương tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững. Xã sẽ hỗ trợ nhân dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời đưa vào sản xuất các giống cây chất lượng cao.
 |
Người dân xã Sơn Cẩm Hà đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư các loại cây trái có giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: SONG LINH |
Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh.
Hiện nay, nhân dân địa phương đã cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp vườn nhà xanh, sạch, đẹp, hiệu quả với 735 mô hình vườn mẫu, được hỗ trợ từ các Đề án 02, 03 của huyện Tiên Phước (cũ) và Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam (cũ).
Từ năm 2020 đến nay, trồng rừng trong nhân dân được 720ha, thu nhập kinh tế rừng đạt hơn 50,4 tỷ đồng. Toàn xã trồng rừng gỗ lớn 390ha.
Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm Hà Phạm Việt Hậu khẳng định: “Cùng với sự hỗ trợ từ chính sách phát triển kinh tế vườn, trang trại và cốt yếu là nguồn lực tự thân của nhân dân, đã tạo được bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của địa phương đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Từ các nguồn lực, xã Sơn Cẩm Hà đã được đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phục vụ đời sống dân sinh, với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, đầu tư 145 công trình”.
Tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao
Trước khi hợp nhất 3 địa phương, xã Tiên Hà đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Tiên Châu đạt 18/19 tiêu chí, xã Tiên Sơn đạt 18/19 tiêu chí. Đây là tiền đề quan trọng để xã Sơn Cẩm Hà xác định mục tiêu hướng tới đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu này, xã Sơn Cẩm Hà xác định sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, bền vững.
Chương trình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại được xem là nhiệm vụ cốt yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Xã sẽ tiếp tục bảo tồn các loại cây ăn quả, cây công nghiệp đặc sản như tiêu, quế, lòn bon, cam..., vừa ưu tiên đầu tư các loại cây ăn trái, cây nông nghiệp có giá trị cao, chú ý các loại cây như dó bầu (trầm hương), cau, sầu riêng, măng cụt...
Đặc biệt, xã sẽ chú trọng thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi giá trị, các hoạt động khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề và lao động ở nông thôn.
Ông Phạm Việt Hậu cho biết: “Việc đầu tư hạ tầng để tạo cơ sở cho sự phát triển trong nhân dân sẽ được xã chú trọng. Cùng với đó là thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về vùng nông thôn. Để đạt được các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao đến năm 2030 đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn cùng với sự vào cuộc của nhân dân. Các chỉ tiêu phát triển hàng năm và cả giai đoạn sẽ gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nhằm phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.
SONG LINH