(Mặt trận) -Hơn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Phúc Sơn (thành phố Hà Nội) đã đổi thay rõ rệt từ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đến thu nhập, đời sống của người dân. Bước vào kỷ nguyên mới, Phúc Sơn tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao.
 |
Chăm sóc cây ớt theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phúc Sơn. |
Từ các thôn: Vĩnh Xương, Vĩnh Lạc, Bột Xuyên, Mỹ Tiên... đi qua nhiều tuyến đường bê tông kiên cố, trải dài qua cánh đồng, khu dân cư, chợ quê, trường học… không khó để cảm nhận diện mạo nông thôn nơi đây đã có bước thay đổi rõ rệt. Những con đường đất gồ ghề trước kia nay đã được đổ bê tông, mở rộng, có hệ thống thoát nước; đường nội đồng thuận lợi cho cơ giới hóa sản xuất. Các tuyến trục chính liên thôn, liên xã như đường Vĩnh Lạc - Bột Xuyên, Vĩnh Xương - Mỹ Tiên đều được nhựa hóa, bê tông hóa, giúp giao thương thuận tiện, kết nối hiệu quả với trung tâm xã và các vùng lân cận.
Hệ thống hạ tầng xã hội cũng được đầu tư đồng bộ. Các thôn đã có nhà văn hóa, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Trường học các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở đều được xây mới, nâng cấp khang trang, có đầy đủ phòng học chức năng, sân chơi, thiết bị dạy học hiện đại. Trạm Y tế xã được đầu tư hơn 11 tỷ đồng, đáp ứng tiêu chí quốc gia về y tế cơ sở, có phòng khám, khu chức năng riêng biệt, đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn. Những chuyển biến tích cực về hạ tầng đã góp phần nâng cao chất lượng sống, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh diện mạo khởi sắc, Phúc Sơn cũng là điểm sáng về chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp. Từ vùng quê thuần nông, người dân chủ yếu canh tác lúa, rau màu theo phương pháp truyền thống, nay nhiều hộ dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư sản xuất quy mô lớn. Điển hình như mô hình của anh Ngô Đức Mạnh, canh tác trên diện tích gần 6ha theo hướng VietGAP. Trang trại trồng ớt, rau ngót, dưa lê được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, kiểm soát pH nguồn nước, sử dụng nhật ký điện tử trong chăm sóc cây trồng, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Mô hình này hiện tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động tại chỗ với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã chủ động liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa chất lượng cao, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu ổn định, gắn với tiêu chuẩn sạch và truy xuất nguồn gốc. Nhiều diện tích đất trước kia để hoang hoặc manh mún, nay đã được dồn điền đổi thửa, hình thành vùng sản xuất tập trung có cơ giới hóa đồng bộ.
Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu lao động ở Phúc Sơn diễn ra mạnh mẽ. Ngoài nông nghiệp, nhiều lao động tại chỗ được tạo việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, xí nghiệp đóng trên địa bàn như Công ty May Lichi, Công ty Thêu may Mỹ Đức, xưởng sản xuất đồ mộc Vĩnh Lạc… Các doanh nghiệp này không chỉ tạo thu nhập ổn định (6-9 triệu đồng/người/tháng) cho hàng nghìn lao động địa phương, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy phát triển các ngành nghề tiểu thủ công, thương mại - dịch vụ tại chỗ. Nhiều hộ dân đầu tư mở cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, tạp hóa, sửa chữa cơ khí, góp phần làm phong phú thêm "bức tranh" kinh tế nông thôn.
“Chưa bao giờ đời sống người dân quê tôi lại sung túc và khang trang như bây giờ. Có đường sạch, trường đẹp, y tế thuận lợi; con cháu đi làm gần nhà mà thu nhập ổn định, ai cũng mừng”, bà Nguyễn Thị Hội, người dân thôn Bột Xuyên bày tỏ niềm vui. Còn anh Ngô Đức Mạnh chia sẻ: “Nhờ chính quyền hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ và tạo thuận lợi về đất đai, hạ tầng, tôi mạnh dạn đầu tư và hiện nay mô hình đã giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích để phục vụ thị trường”.
“Xã mình giờ rộng hơn, dân đông hơn, cán bộ cũng sâu sát, giải quyết việc nhanh gọn. Tôi tin với bộ máy mới, đường sá sẽ mở thêm, đất đai canh tác được quy hoạch tốt hơn, bà con mình thêm cơ hội làm ăn, phát triển”, ông Nguyễn Văn Cường, người dân thôn Trê bộc bạch.
Xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình lâu dài, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Trần Xuân Hải khẳng định: “Chúng tôi đang tổng hợp, rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở đó, xã sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng thôn để hoàn thiện đồng bộ. Mục tiêu giai đoạn 2025-2030, Phúc Sơn sẽ về đích xã nông thôn mới nâng cao, giữ vững là địa bàn nông thôn phát triển toàn diện...”.
T.L