(Mặt trận) -Chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang lại chốn an cư bền vững mà còn thắp lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, nơi những tòa cao ốc vươn mình giữa đô thị sôi động lại có những ngôi nhà tình thương giản dị đã trở thành biểu tượng đẹp cho một Thành phố nhân ái, nghĩa tình và luôn chung sức, đồng lòng vì người nghèo.
 |
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị trao tặng hàng ngàn căn nhà tình thương cho người dân. |
Sức mạnh từ sự đoàn kết
Khi màn đêm buông xuống trên những con phố rực sáng ánh đèn, ở một góc nhỏ nào đó của TP Hồ Chí Minh, những căn nhà lợp mái tôn cũ kỹ, tường vách xập xệ từng là nỗi lo canh cánh trong lòng hàng trăm hộ dân nghèo. Mỗi cơn mưa lớn là một lần họ gồng mình chống chọi, mỗi đợt gió lùa lại thêm một lần giật mình thon thót. Nhưng kể từ khi phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” được phát động theo Quyết định 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những nỗi lo ấy đang dần được xoá bỏ, nhường chỗ cho niềm tin và hy vọng.
Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình không chỉ là một chính sách an sinh đơn thuần mà đã trở thành phong trào mang tính xã hội rộng khắp. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 4/2025, Thành phố đã hoàn thành việc xây mới và sửa chữa tổng cộng 1.222 căn nhà, với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống ngân hàng đã đóng góp hơn 25,3 tỷ đồng hỗ trợ 323 căn nhà; Quỹ Vì người nghèo và các nguồn xã hội hóa khác đã huy động gần 45 tỷ đồng, giúp xây sửa 899 căn.
 |
Những căn nhà mới thơm mùi sơn khiến người dân vui mừng, xúc động sau bao năm vất vả. |
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Không chỉ có chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, mà đông đảo doanh nghiệp, cá nhân đã chung tay góp sức. Mỗi căn nhà được sửa chữa hay xây mới là một biểu tượng của nghĩa tình, là kết tinh của sự chia sẻ và đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác.
Đặc biệt, chương trình đã hoàn thành trước thời hạn, giúp TP Hồ Chí Minh về đích sớm trong hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho toàn bộ 325 hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu hụt nhà ở theo thống kê cuối năm 2024. Đây cũng là công trình trọng điểm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại TP Hồ Chí Minh không chỉ giúp người dân an cư mà còn mở ra “hành trình đổi đời” bền vững. Trong dịp lễ 30/4 năm nay, chương trình này còn được chọn làm công trình điểm nhấn, là biểu tượng sống động cho truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người dân Thành phố.
“Chương trình không chỉ giải quyết chỗ ở mà còn truyền cảm hứng, thắp lên tinh thần trách nhiệm xã hội, nhân văn và lòng trắc ẩn trong cộng đồng. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì mô hình này như một cách chăm lo bền vững cho các hộ còn gặp khó khăn”, bà Thúy chia sẻ.
Tiếp tục mở rộng chương trình
Không dừng lại ở kết quả trước mắt, TP Hồ Chí Minh còn xây dựng kế hoạch hỗ trợ xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/4/2025 với nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ một phần, cộng đồng chung tay, hộ dân tự tổ chức xây dựng.
Các điều kiện được giám sát chặt chẽ, từ việc xác định đúng đối tượng cho đến đảm bảo xây dựng trên đất hợp pháp, không nằm trong vùng nguy hiểm. Để việc triển khai đạt hiệu quả, tổ công tác cấp phường, xã thường xuyên theo dõi, lập dự toán hỗ trợ cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch, sát thực tế. Hàng tháng, các địa phương đều báo cáo tiến độ, nêu rõ khó khăn vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
 |
Bà Lê Thị Thu Thủy (quận Phú Nhuận) đã được nhận nhà mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Liên quan đến chương trình này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của phong trào trong việc giúp người dân an cư lập nghiệp, yêu cầu các cấp cần triển khai hiệu quả các cuộc vận động đảm bảo an sinh xã hội, xem việc xóa nhà tạm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh phải đi nhanh và có kết quả sớm trong xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây không chỉ là chăm lo dân sinh, mà còn là thể hiện trách nhiệm với đồng bào và tri ân quá khứ. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ được tiếp tục mở rộng; trong đó, Thành phố có chủ trương huy động thêm nguồn lực từ kiều bào, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, đồng thời biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng mô hình, thậm chí hỗ trợ cho những địa phương còn nhiều khó khăn.
 |
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tặng quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho biết, chương trình không đơn thuần là hành động hỗ trợ hiệu quả phong trào xóa đói giảm nghèo của thành phố mà là hành trình lan tỏa tinh thần nhân văn, cổ vũ cộng đồng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mỗi căn nhà là một câu chuyện, là một nỗi lo được gỡ bỏ, là một giấc mơ được chắp cánh. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là điểm sáng của cả nước về chính sách an sinh nhân văn.
Có thể nói, những thành công của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại TP Hồ Chí Minh là minh chứng khi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự sẻ chia từ cộng đồng thì không có mục tiêu nào là không thể đạt tới. Vì vậy, trong không khí thiêng liêng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi căn nhà tình thương chính là biểu tượng sống động của lòng nhân ái, của sự nỗ lực không ngừng vì người dân, vì tương lai bền vững của Thành phố.
H.T