Thanh Hóa quyết tâm "về đích" xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8

(Mặt trận) -Xác định chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã chuyển sang giai đoạn về đích, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm, ấn định thời gian xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8/2025.

Vì một mái ấm cho người nghèo

Lan tỏa lối sống xanh ở cộng đồng dân cư

Khơi dậy tinh thần tự quản, đoàn kết trong nhân dân

Hiệu quả từ cách làm mới 

Thực hiện Chỉ thị 42 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá về xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đặt mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8/2025, sớm hơn so với Trung ương yêu cầu.

Bên cạnh những thành tựu về giảm nghèo, Thanh Hóa tập trung cao độ cho cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024 và 2025 theo Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Theo đó, tính đến ngày 26/6, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành gần 11.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách và các gia đình khó khăn về nhà ở, số còn lại phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/8.

Tổng nguồn lực huy động cho chương trình đến thời điểm hiện tại đạt hơn 1.569 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đóng góp 384 tỷ đồng, phần còn lại đến từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng và người dân. Lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đã tham gia hơn 53 nghìn ngày công, đóng góp hàng chục nghìn tấn vật liệu xây dựng.

Bà Lữ Thị Tý, 63 tuổi, bản Sại, xã Tam Lư, sau nhiều năm sống trong căn nhà dột nát, sập xệ giờ đã được an cư trong căn nhà sàn vững chắc. 

Bà Lữ Thị Tý, 63 tuổi, bản Sại, xã Tam Lư, sau nhiều năm sống trong căn nhà dột nát, sập xệ giờ đã được an cư trong căn nhà sàn vững chắc. Căn nhà có diện tích khoảng 70m2/sàn, tổng kinh phí xây dựng khoảng 150 triệu đồng. Trong đó, Quân khu 4 hỗ trợ 80 triệu đồng; số tiền còn lại do anh em, họ hàng hỗ trợ và vốn tích lũy của gia đình. Các tổ chức đoàn thể của địa phương hỗ trợ ngày công tháo dỡ nhà, đào móng và dọn dẹp giúp hộ dân.

Bà Lữ Thị Tý, xúc động chia sẻ: “Chồng tôi qua đời đã lâu, tôi phải ở với các cháu, bản thân sức khỏe ngày càng giảm sút nên chưa bao giờ dám mơ có căn nhà sàn mới, đẹp đẽ như thế này. Sau khi được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, sự giúp sức của người thân, họ hàng, bà con xóm làng, tôi đã được ở trong ngôi nhà mới. Từ nay, mỗi mùa mưa bão tới không phải lo lắng. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”.

Để có được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng  trong việc hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, khẳng định vai trò là cầu nối  giữa ý Đảng, lòng dân. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, MTTQ các cấp đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần "tương thân tương ái", kêu gọi các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, và các nhà hảo tâm cùng chung tay đóng góp

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch, Chánh văn phòng MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết, với vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, MTTQ chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân để trực tiếp hỗ trợ người dân trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Sự hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vật chất mà còn bao gồm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng sớm có được mái ấm kiên cố, an toàn.

Bà cho biết, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thanh Hóa có nhiều cách làm riêng trong cuộc vận động này như: Thay vì huy động ít nhất 1 ngày lương hoặc 1 ngày công lao động với cán bộ và 100 nghìn đồng với đoàn viên, công đoàn như những lần kêu gọi khác, lần này với vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên MTTQ tỉnh cũng thống nhất kêu gọi đối với các lãnh đạo tỉnh là 1 tháng lương, đối với phó của người đứng đầu là 1/2 tháng lương. Đối với trưởng, phó các phòng trở lên là 1/4 tháng lương và lao động. Trong từng khu dân cư, Đảng viên cũng là người đi đầu, ngoài việc đóng góp tại nơi công tác, Đảng viên còn tham gia đóng góp với khu dân, mức đóng góp cũng cao hơn so với hộ dân thông thường"- bà Phương chia sẻ. 

"Ngoài ra, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tổ chức các diễn đàn để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến ngày 31/8 sẽ hoàn thành chương trình, sớm hơn so với Trung ương yêu cầu" - bà Phương cho biết thêm.

Quyết tâm hoàn thành trước ngày 31/8

Tại hội nghị sơ kết Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra vào ngày 26/6 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh: Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn hoàn cảnh khó khăn về nhà ở là chủ trương lớn, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp thiết, trực tiếp góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, Chương trình đã đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh chương trình đã chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn về đích, với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”

Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị số 42/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 22 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, mà gần nhất là Phiên họp ngày 22/6/2025 vừa qua.

Cùng với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, các địa phương cần khẩn trương rà soát toàn bộ số nhà đã hoàn thành, đang thi công, chưa khởi công; lập danh sách đầy đủ, chính xác, chuyển giao cho cấp ủy, chính quyền cấp xã mới quản lý, tiếp nhận để bảo đảm tính liên tục trong tổ chức, triển khai thực hiện chương trình.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành  sớm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho  cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

THEO VOV.VN