Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Gia Lai phát huy vai trò giám sát chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

(Mặt trận) -Để chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Gia Lai triển khai đúng tiến độ, đúng đối tượng và mang lại hiệu quả thiết thực, MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò giám sát, kịp thời phát hiện, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo: Xây mái ấm, gieo niềm tin

Bình Dương: Công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát đang dần về đích

Thành phố Đà Lạt: Không ai bị bỏ lại phía sau

Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh còn 23.852 hộ nghèo (chiếm 6,06%) và 34.526 hộ cận nghèo (chiếm 8,77%). Qua rà soát, nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công đủ điều kiện hỗ trợ là 8.155 hộ (xây dựng 6.562 nhà, sửa chữa 1.593 nhà).

Cùng với đẩy nhanh quá trình triển khai là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trên cơ sở phân công, thành viên ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp thường xuyên kiểm tra thực địa, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ và đánh giá hiệu quả công việc. Tính đến thời điểm hiện tại, 8/17 địa phương đã khởi công 100% số lượng nhà theo kế hoạch.

Ông Đỗ Xuân Ưa-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện-cho hay: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trong việc rà soát, xác định đúng đối tượng, tổ chức triển khai hiệu quả chương trình. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã tích cực vận động nguồn lực, giám sát quá trình khởi công, thi công và bàn giao nhà ở cho người dân. Đồng thời, phát động lời kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay hưởng ứng phong trào.

Qua đó, toàn huyện đã huy động được trên 1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng. Đến ngày 28-4, huyện đã hoàn thành 355 căn nhà, về đích trước kế hoạch 2 tháng.

 Đến ngày 28-4, huyện Phú Thiện đã về đích xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Q.H

Huyện Chư Sê phấn đấu hoàn thành 416 căn nhà trước ngày 10-6. Để hoàn thành mục tiêu này, công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng. Đến nay, Ban Chỉ đạo và các thành viên đã tiến hành 45 đợt kiểm tra, tập trung kiểm tra những xã có số lượng nhà ở lớn, xã đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng, tiến độ hoàn thành và hiệu quả của chương trình.

Bà Đinh Thị Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Sê-thông tin: Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể không chỉ tập trung tuyên truyền, vận động mà làm tốt công tác giám sát, tiếp thu và giải quyết ý kiến người dân. Đối với những hộ neo đơn, không có lao động hoặc không thể tự tổ chức xây dựng, UBND xã đảm nhận vai trò chủ đầu tư, với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cộng đồng dân cư, MTTQ xã và các tổ chức hội, đoàn thể liên quan.

Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai giám sát việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Dun, huyện Chư Sê. Ảnh: N.A 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch giám sát trực tiếp tại 5 địa phương (Chư Prông, Chư Sê, Phú Thiện, Krông Pa, Đak Pơ) và giám sát gián tiếp qua báo cáo tại 12 địa phương còn lại. Nội dung giám sát việc thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” trên địa bàn tỉnh. Công tác giám sát tập trung vào việc rà soát đối tượng, tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, mức hỗ trợ theo quy định, kết quả vận động nguồn lực xã hội hóa và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ…

Ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 182 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công tại 10 xã, thị trấn của 5 huyện và làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo cấp huyện.

Qua giám sát cho thấy: Các địa phương đã chủ động vào cuộc, huy động nguồn lực xã hội với nhiều hình thức để thực hiện chương trình. Nhiều nơi tổ chức phát động, gửi thư ngỏ kêu gọi ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát; huy động vật liệu xây dựng từ doanh nghiệp, nhân công từ các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn và lực lượng tại chỗ cùng tham gia.

Qua giám sát cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc tại một số địa phương. Đó là một số nơi thiếu thợ chính, thiếu vật liệu xây dựng, giá cả, đặc biệt là gạch nung tăng cao. Việc huy động kinh phí đối ứng gặp trở ngại do hộ dân được hỗ trợ không có điều kiện. Một số hộ chưa mạnh dạn vay vốn, chỉ chấp nhận xây dựng hoặc sửa chữa nhà theo mức hỗ trợ của Nhà nước. Hiện tại, nguồn vốn năm 2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được Trung ương phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh…

Đoàn giám sát đã có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp huyện nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đề ra.