(Mặt trận) -Với mục tiêu giúp cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho người dân và góp phần thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã và đang chung sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đặc biệt là huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng nhằm hiện thực hóa ước mơ cho người nghèo.
 |
Từ nguồn lực thuộc Đề án hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở huyện Mường Tè nhiều hộ dân được hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, góp phần xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn xã Pa Ủ. |
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện còn 6.681 hộ/căn nhà tạm, nhà dột nát (5.084 hộ xây mới; 1.597 hộ sửa chữa); trong đó có 4.345 hộ/căn nhà theo Công điện số 102/CĐ-TTg được phê duyệt theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 20/12/2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh; 2.336 hộ/căn nhà phát sinh, bổ sung sau Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ hai cần triển khai thực hiện xây mới và sửa chữa.
Ông Sùng A Hồ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lai Châu cho biết: Tỉnh đã phát động phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”; đề ra các biện pháp cụ thể và huy động sự tham gia của toàn xã hội, từ các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện mục tiêu xóa hoàn toàn tình trạng này vào năm 2025. Triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nhiều ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương linh hoạt, sáng tạo tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào với các hoạt động hướng mạnh về cơ sở. Trong đó, chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, huy động nguồn lực làm nhà đại đoàn kết để xóa nhà tạm, dột nát. Lồng ghép vào chương trình, dự án để hỗ trợ tiền làm nhà; đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, vận động hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng; tình nguyện đóng góp ngày công lao động, ủng hộ một ngày lương. Điển hình như: Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ xây dựng “Mái ấm biên cương” cho phụ nữ nghèo ở khu vực biên giới và nhà đồng đội cho cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn; mỗi sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đóng góp một ngày lương cơ bản và mỗi chiến sỹ đóng góp 20 nghìn đồng thực hiện xóa nhà tạm. MTTQ các cấp kêu gọi và tiếp nhận từ các cấp, ngành hỗ trợ để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang các cấp đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, vận động hỗ trợ tiền, vật liệu xây dựng, đóng góp ngày công lao động xóa nhà tạm, dột nát.
Giai đoạn từ năm 2019-2024, MTTQ các cấp tỉnh Lai Châu đã vận động ủng hộ hơn 37,5 tỷ đồng; đã hỗ trợ xây dựng mới 798 nhà, sửa chữa 31 nhà đại đoàn kết; Bộ đội Biên phòng tỉnh quyên góp hơn 286 triệu đồng gửi về Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh để xóa nhà tạm, dột nát. Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang các cấp ủng hộ hàng chục nghìn ngày công xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo thống kê, hiện huyện Sìn Hồ còn khoảng 1.700 gia đình đang sống trong những căn nhà dựng tạm bợ. Để giải quyết vấn đề này, huyện thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, dột nát; chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc huy động, tận dụng các nguồn xã hội hóa tập trung rà soát xóa nhà tạm trên địa bàn. Thông qua các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh triển khai hỗ trợ các gia đình đang sống trong nhà tạm, dột nát làm nhà ở kiên cố. Chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức hội, ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xây nhà ở. Kêu gọi các tổ chức, đoàn thể tham gia hỗ trợ xây dựng nhà đảm bảo “3 cứng”.Nhờ vậy, ngày càng có nhiều ngôi nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng lên.
Điển hình như ngôi nhà của gia đình anh Giàng A Sử ở xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ). Anh Sử chia sẻ: Lấy nhau gần 10 năm nhưng vợ chồng tôi và các con vẫn phải ở trong căn nhà dột nát bởi thuộc diện hộ nghèo, không có kinh phí làm mới. Cuối năm 2024, gia đình được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 50 triệu đồng; các đoàn thể, bà con trong xã, bản giúp công làm nhà với diện tích 70m2. Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình tôi được ở trong ngôi nhà mới. Đây là động lực để gia đình cố gắng lao động sản xuất, vươn lên.
Pa Ủ là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của huyện Mường Tè. Nơi đây có gần 100% đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Do thói quen sinh sống nên bà con không làm nhà ở kiên cố, dẫn đến khó an cư để lập nghiệp. Đồng chí Phạm Hồng Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Pa Ủ cho biết: Để thay đổi nhận thức của bà con, nâng cao đời sống, xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn, thời gian qua, trên cơ sở Đề án hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở huyện Mường Tè; các chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, xã lồng ghép hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, dột nát cho các hộ dân. Từ năm 2020 đến nay, xã phối hợp thực hiện xây mới 177 căn nhà, sửa chữa 82 căn nhà. Việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở không chỉ góp phần xóa bỏ nhà tạm, dột nát mà còn nâng cao ý thức của người dân về việc xây dựng nếp sống văn minh, ổn định dân cư, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hằng năm, từ 81,85% (năm 2021) xuống 77,5% (hết năm 2024).
Từ những cách làm sáng tạo, linh hoạt, cụ thể của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của cộng đồng, đã từng bước “xóa sổ” nhà tạm, dột nát. Đồng nghĩa, hộ nghèo có mái ấm kiên cố, thay đổi cuộc sống, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Và, diện mạo nông thôn của Lai Châu cũng khởi sắc từng ngày.
V.T