Hơn 600 đơn vị hiện vật quý giá tiếp thêm ngọn lửa cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Thiết thực chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và nhằm bổ sung nguồn hiện vật phục vụ công tác triển lãm, trưng bày, giới thiệu đến công chúng cả nước về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng ngày 14/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp nhận hiện vật hiến tặng Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng dự và phát biểu tại Hội nghị.

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025: 337 tỷ đồng chung tay ủng hộ phong trào thi đua

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng đại biểu tham dự Hội nghị 

Cùng tham dự có bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh; NSND Kim Cương, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Ban Công tác phía Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các đại biểu tham gia hiến tặng hiện vật.

Báo cáo Công tác sưu tầm của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, nhằm giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày 17/3/2020, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định thành lập Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trựcUBTƯ MTTQ Việt Nam xác định công tác sưu tầm hiện vật vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài; đồng thời có thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thời gian qua, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành khảo sát, sưu tầm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tổ chức được 3 hội nghị tiếp nhận hiến tặng, với hàng nghìn tài liệu, hiện vật có giá trị được đóng góp.

Song song với việc sưu tầm di sản quá khứ, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn hướng tới phản ánh tinh thần đại đoàn kết trong cuộc sống đương đại. Từ năm 2020, Bảo tàng đã triển khai sưu tầm về phong trào toàn dân đoàn kết đẩy lùi đại dịch COVID-19 của cả nước, mà trọng tâm là cuộc chiến chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát lần thứ tư năm 2021. 

Tại Hội nghị, có 8 tổ chức và 31 cá nhân đăng ký hiến tặng, với tổng số hơn 600 đơn vị hiện vật minh họa về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trong số hiện vật được hiến tặng lần này có bộ sưu tập gồm 20 bức tranh “Chân dung những người truyền cảm hứng” của họa sĩ Lê Sa Long sáng tác; cây ATM gạo của Mặt trận quận 8 trao tặng; cây ATM khẩu trang của doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh; 2 con rô bốt của Ban Chỉ huy quân sự Thành phố Thủ Đức; xe xét nghiệm lưu động của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hóc Môn trao tặng…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đây là sự kiện quan trọng thiết thực chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); đồng thời nhắc lại thời khắc lịch sử khi lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Từ đây, non sông thu về một mối, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Đảng ta thành lập và lãnh đạo, đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp và đoàn kết tất cả người dân Việt Nam yêu nước chân chính, siết chặt hàng ngũ “dấy lên cơn bão lớn quật đổ kẻ thù, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của “Thành đồng Tổ quốc””.

“Sau ngày thống nhất, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

 
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao Giấy ghi nhận của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tặng hoa cho các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, truyền thống đại đoàn kết, sức mạnh trường tồn của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục được khơi dậy, phát huy, tỏa sáng, đặc biệt là trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Tháng 4/2021, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh, tính nguy hiểm cao, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch, là điểm nóng của cả nước.

Thời điểm đỉnh dịch, Thành phố ghi nhận hơn 300 ca tử vong mỗi ngày, hàng ngàn người mắc mới, hơn 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ do đại dịch. Đời sống nhân dân bị đảo lộn do thực hiện chế độ giãn cách, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, tâm lý lo sợ,… Các hoạt động kinh tế, sản xuất bị đình trệ. Toàn Thành phố chuyển sang trạng thái đặc biệt. Đây là thách thức khắc nghiệt, chưa từng có tiền lệ. Cùng với sự chi viện của Trung ương và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân Thành phố bằng quyết tâm mạnh mẽ và nỗ lực phi thường đã vật lộn, chiến đấu với dịch bệnh, giành giật lại sự sống và sức khỏe của nhân dân, từng bước khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

Từ tháng 10/2021, sau hơn 4 tháng chống chọi với dịch bệnh, Thành phố đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong cuộc chiến này đã sáng ngời tinh thần hy sinh quên mình của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch; sự sẻ chia to lớn, nghĩa tình về nhân lực, trí lực, tài lực, vật lực của các mạnh thường quân với cộng đồng; sự chung tay góp sức đầy trách nhiệm của mỗi người dân Thành phố với công tác chống dịch chung. Rất nhiều cá nhân tiêu biểu là tấm gương sáng, đã và đang truyền động lực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cuộc chiến chống đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế của Thành phố nói riêng, của cả nước nói chung.

“Đó là minh chứng sống động cho sức mạnh văn hóa, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tinh thần đại đoàn kết và tính ưu việt của chế độ ta - như một dòng chảy liên tục của lịch sử sau ngày Đại thắng.”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

 
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng thăm quan những hiện vật được trưng bày

Trân trọng ghi nhận và bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới các tổ chức, cá nhân đã trao tặng hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, những kỷ vật của một thời khói lửa gắn bó với quá trình hoạt động và chiến đấu của các bác, các cô, các chú từng tham gia kháng chiến hoặc của người thân là “bảo vật” vô giá chứa đựng cả tình cảm, ký ức và thông điệp lịch sử trong công cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước, được nâng niu, cất giữ gần nửa thế kỷ qua để hôm nay trao tặng cho Bảo tàng với mong muốn tiếp thêm ngọn lửa cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó, những hiện vật từ cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn sức nóng, là bằng chứng sinh động về sự kiên cường và nỗ lực phi thường của Thành phố trong cơn bạo dịch được các tổ chức, cá nhân giữ lại và chuyển cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong số đó có các vật dụng, thiết bị, máy móc, văn hóa phẩm của các tổ chức; đồ dùng cá nhân của các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch và các nhà thiện nguyện, các nghệ sĩ, doanh nhân tham gia hỗ trợ, chia sẻ với cộng đồng. Và đặc biệt là bộ sưu tập gồm 20 bức tranh “Chân dung những người truyền cảm hứng” của Họa sĩ Lê Sa Long.

“Đây là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa xã hội sâu sắc, tái hiện về những con người tiêu biểu trong cuộc chiến chống dịch. Sau khi tiếp nhận, các hiện vật sẽ được Bảo tàng tổ chức lập hồ sơ, thực hiện việc bảo quản lâu dài và lựa chọn để trưng bày, triển lãm, giới thiệu cho đông đảo công chúng tham quan”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.