Đảm bảo khách quan, trung thực trong công bố chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức

(Mặt trận) - Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (NDTC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021.

Cần Thơ: Khai mạc Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam điểm cấp tỉnh trên toàn quốc, nhiệm kỳ 2024-2029

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà tiếp xúc cử tri tại tỉnh Ninh Bình

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Chủ trì Hội nghị

Chủ trì Hội nghị có bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo;  ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nặng nề, làm tổn thất lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Mặc dù rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời thích ứng với tình hình mới.

Là năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, gắn với năm bản lề thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để thúc đẩy thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động trong lãnh đạo, điều hành là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” và đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cải cách hành chính là một trong những giải pháp trọng tâm. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021 là năm thứ 10 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 5 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quá trình triển khai nghiêm túc, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, lấy ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh và đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%

Quang cảnh Hội nghị

Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của NDTC đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả CQHCNN và NDTC. Chỉ số hài lòng của NDTC cho thấy toàn diện thực trạng chất lượng cung ứng dịch vụ công, từ đó cung cấp thông tin kịp thời, khách quan giúp Chính phủ, chính quyền, CQHCNN có cơ sở để thực hiện các giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ NDTC.

Năm 2021, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của CQHCNN nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ NDTC của các CQHCNN, thông qua đó, giúp các CQHCNN nắm bắt được thực trạng chất lượng dịch vụ công, nhu cầu, mong đợi của NDTC để làm cơ sở xác định, thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ NDTC, mang lại sự hài lòng cho NDTC.

Kết quả đo lường sự hài lòng của NDTC năm 2021 cho thấy, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87.16%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 94.07% - 82.79%. Các tỉnh có Chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Trong đó, các nội dung mà NDTC mong đợi các CQHCNN cải thiện nhiều nhất gồm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 54,02% mong đợi; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, với 51.89% NDTC mong đợi; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, với 47.26% NDTC mong đợi. Mặc dù yếu tố thủ tục hành chính nhận được sự hài lòng của NDTC cao thứ 2 trong số 5 yếu tố được đánh giá nhưng 2 nội dung mà NDTC mong đợi được CQHCNN cải thiện nhiều nhất đều thuộc yếu tố thủ tục hành chính.

Về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 10 năm qua, chỉ số này luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Thông qua Chỉ số cải cách hành chính, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo.

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ được phân loại gồm 3 nhóm điểm, trong đó kết quả Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 3 đơn vị là Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 13 đơn vị: Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86.37%, cao hơn 2.65% so với năm 2020 (đạt 83.72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%; 40/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, nhiều hơn các năm 2020 và 2019 lần lượt là 4 và 18 đơn vị. Nhìn chung, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tích cực, chủ động thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công

 Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, sự nỗ lực của các cơ quan, tổ chức tham gia Chương trình phối hợp, các hoạt động điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

“Kết quả của Chương trình phối hợp có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ giúp CQHCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong đợi của NDTC đối với chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của NDTC; góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ mà còn tạo cơ chế mở để NDTC tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công”, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong những năm qua, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, do đó, chất lượng của nhiều dịch vụ công ngày càng tốt hơn và NDTC ngày càng hài lòng hơn. Điều đó đã được khẳng định qua kết quả Chỉ số hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của CQHCNN năm 2021, trong đó Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của các cơ quan hành chính nói chung trong cả nước đạt 87,16% (tăng 1,68% so với năm 2020).

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, phương pháp đo lường sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của CQHCNN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, các bên tham gia Chương trình phối hợp cần tập trung triển khai xây dựng Đề án đo lường sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của CQHCNN giai đoạn mới, trong đó cần hoàn thiện phương pháp điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đồng thời, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống của mình phối hợp tổ chức thực hiện để bảo đảm phát huy dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội đối với quá trình triển khai cải cách hành chính tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, các bên tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về kết quả Chỉ số hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của CQHCNN 2021; về mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức triển khai đo lường sự hài lòng của NDTC nhằm nâng cao hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của NDTC trong việc tham gia đánh giá kết quả cải cách hành chính; vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công và tích cực phản hồi ý kiến thông qua cung cấp thông tin cho điều tra xã hội học, qua đó đảm bảo khách quan, trung thực, đầy đủ.