Tạo điều kiện nâng cao chất lượng phản biện

(Mặt trận) - Công tác phản biện của Mặt trận đã góp phần điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách, chỉ ra những bất cập trong thực hiện các dự án kinh tế - xã hội, giải quyết những bức xúc trong dân. Tuy nhiên, phản biện vẫn còn gặp không ít khó khăn đến từ hành lang pháp lý cũng như nhận thức về vai trò phản biện của Mặt trận của các cấp ủy, chính quyền. Công tác phản biện xã hội tại An Giang là một điển hình. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng đã trao đổi về vấn đề này.

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Phú Yên: Đại hội điểm MTTQ huyện Phú Hòa lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029

Ông Nguyễn Tiếc Hùng.

 PV: Giám sát và phản biện xã hội là một trong những việc làm quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Vậy, xin ông cho biết, giám sát và phản biện của tỉnh An Giang đã tập trung vào những nội dung gì và kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Tiếc Hùng: Thực hiện chủ trương của Đảng, MTTQ tỉnh An Giang cũng đã thực hiện khá đồng bộ các hoạt động giám sát và phản biện, nhất là đối với tỉnh, huyện và cơ sở. Đặc biệt, Mặt trận tỉnh đã có Hội đồng tư vấn để thực hiện các nội dung này. Hàng tháng, chúng tôi cũng tổ chức họp các Hội đồng tư vấn, đồng thời thực hiện giám sát, phản biện theo kế hoạch hàng năm của Mặt trận đưa ra. Những chương trình giám sát và phản biện được thông qua với cấp ủy địa phương để cấp ủy địa phương xem xét, đồng ý những nội dung, chương trình và cách thực hiện phản biện.

Vừa qua, tỉnh An Giang cũng tổ chức việc giám sát của các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong đầu tư xây dựng các công trình cơ bản, nhất là ở các xã, phường, thị trấn, công tác này được thực hiện rất hiệu quả. Với trách nhiệm của Ban giám sát của cộng đồng ở địa phương, các thành viên trong Ban đã tham gia tích cực, trách nhiệm, thể hiện là người đại diện cho người dân để góp ý, đồng thời tuyên truyền, vận động chủ đầu tư các công trình phải làm đúng thủ tục, đúng quy trình, đúng thiết kế.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, các công trình xây dựng đa số là tốt nhưng cần thiết vẫn phải có sự giúp đỡ, chấn chỉnh để thực hiện tốt hơn. Ngoài ra, đối với các hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú là vấn đề được tỉnh An Giang đã làm hết sức hiệu quả. Đặc biệt, ở các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Châu Đốc….

MTTQ đã thể hiện được vai trò này rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có nhiều khó khăn, nhất là trong phản biện. Phản biện là một phạm trù mới, rất rộng, không thể hiểu hết ngay trong một sớm, một chiều. Muốn tổ chức phản biện được thì cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành phải “đặt hàng” thì Mặt trận mới tổ chức phản biện được. Điều này đã gây ra không ít khó khăn khi chúng tôi tổ chức thực hiện.

Theo ông những khó khăn trong quá trình giám sát và phản biện xã hội mà Mặt trận tỉnh An Giang gặp phải như thế nào?

-Không riêng tỉnh An Giang mà các tỉnh khác cũng vậy, những nội dung, chương trình phản biện Mặt trận không được tự lựa chọn mà cấp ủy, chính quyền yêu cầu phản biện nội dung gì thì Mặt trận mới tổ chức phản biện. Việc này phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu của cấp ủy, chính quyền của địa phương đó. Tức là phải có yêu cầu thì mới được phản biện. Việc này khiến cho Mặt trận hoàn toàn bị động, phải chờ đợi người khác giao việc cho mình. Còn không thì không thể tự tổ chức phản biện được. Điều này gây ra những bất lợi rất lớn trong công tác phản biện của Mặt trận.

Đối với những vấn đề bức xúc của bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang, Mặt trận tỉnh đã có cách tổ chức phản biện như thế nào, thưa ông?

-Đối với những bức xúc của người dân chúng tôi tổ chức giám sát chứ không phản biện. Trước khi tổ chức giám sát, chúng tôi nghiên cứu những công trình, dự án đó đem lại lợi ích cho người dân như thế nào và quá trình thực hiện công trình đó đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn ra sao mà khiến người dân lo lắng, sau đó chúng tôi mới tiến hành giám sát. Sau khi nghiên cứu kỹ và giám sát kỹ, Mặt trận dựa vào kết quả giám sát đó để đề nghị với cấp ủy, chính quyền xem xét cho ý kiến đối với những cơ quan, hoặc đối với những đơn vị đầu tư, thi công trên những công trình đó. Đối với những cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú mà có vấn đề, bị người dân phản ánh về ý thức, đạo đức, tác phong thì Mặt trận cũng tổ chức góp ý để các cấp có thẩm quyền can thiệp.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều phong trào ở địa phương hoạt động chưa hiệu quả, việc nắm bắt tình hình của người dân cũng chưa được thực hiện tốt. Mặt trận tỉnh An Giang cần phải đẩy mạnh hoạt động như thế nào để các hoạt động đi vào thực chất hơn, thưa ông?

 -Đối với tỉnh An Giang việc nắm bắt tình hình nhân dân cơ bản bám sát. An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo nhưng các dân tộc, tôn giáo đều gắn bó với chính quyền, gắn bó với Mặt trận. Điều này được thể hiện ở việc khi địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, ngoài cán bộ, đảng viên tham gia, bà con nhân dân cũng tham gia rất tích cực. Điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hiện nay tỉnh An Giang đã đạt được 50/119 xã đạt NTM. Cấp huyện thì có 2 thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Vừa qua, huyện Thoại Sơn đã bảo vệ xong trước Hội đồng thẩm định để trình Chính phủ công nhận NTM trong thời gian sắp tới. Những kết quả đó chứng minh các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào của địa phương phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Tuy nhiên, ở một số nơi, một số địa phương phong trào vẫn còn hình thức thì cần phải chấn chỉnh, khắc phục dần dần.

Hiện nay, giám sát của Mặt trận chưa có chế tài xử lý. Để giám sát của Mặt trận hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo ông Mặt trận cần tổ chức giám sát, phản biện như thế nào cho hiệu quả?.

-Giám sát của Mặt trận là giám sát mang tính nhân dân, giám sát xã hội, không có chế tài. Tuy nhiên, để kết quả giám sát của Mặt trận hiệu quả hay không thì chính những người đi giám sát phải hiểu và nắm bắt chặt chẽ, vừa giám sát, vừa tuyên truyền. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện ra những hạn chế, yếu kém thì đề nghị cấp ủy hoặc cấp thẩm quyền xem xét, nếu cần phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ. Theo chỉ đạo của cấp ủy và định hướng hoạt động của Mặt trận trong nhiệm kỳ tới, Mặt trận tỉnh An Giang cũng đặt ra nhiều chương trình để tới đây sẽ thực hiện tốt hơn. Hiện, MTTQ tỉnh cũng đã có các Hội đồng tư vấn cả về pháp luật, kinh tế - xã hội và dân chủ pháp luật… Cho nên việc phản biện đã được nhiều thành viên tham gia đóng góp tích cực. Đây là tín hiệu tốt để các chương trình, những đề án phản biện đưa ra được khả thi hơn.

 Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)